Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" số 4

"Đây thôn Vĩ Dạ" ra đời ngẫu nhiên trong một lần Hàn Mặc Tử nhận được bức thư của nàng thơ Hoàng Thị Kim Cúc xưa gửi cho thi sĩ trong những ngày cuối cùng của đời người bên giường bệnh. Bức thư kèm theo một bức ảnh chụp cảnh non nước mây trời xứ Huế. Quá khứ về những ngày ở Huế ùa về, Hàn Mặc Tử chợt xúc động và viết lên bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Có lẽ, đó là lí do bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ trong bài thơ lại đầy sắc, hương và tình đến thế.


Trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, ít ai chịu nỗi đau đời nhiều như Hàn Mặc Tử. Cuộc đời Hàn bị ruồng bỏ nơi bãi bồi, chòi gác. Người chịu căn bệnh phong hành hạ thể xác tới cuối đời. Đưa nỗi đau vào các tác phẩm, Hàn Mặc Tử trở thành đỉnh cao thơ Mới với cái "tôi" hoàn toàn "loạn" và dị biệt. Tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" tiêu biểu cho cái tôi kì dị ấy. Thế nên mới có lời nhận xét thế này "Thơ Hàn Mặc Tử thường có bước cóc nhảy về ý, ý nọ cách ý kia một khoảng rất xa, thoạt nhìn tưởng đầu Ngô mình Sở...". Chỉ riêng cách thể hiện bức tranh thiên nhiên trong bài thơ, ta đã thấy những điểm đó.


Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" được thể hiện tập trung chủ yếu trong hai khổ thơ đầu tiên. Hàn Mặc Tử đã khắc họa hai bức tranh với hai gam màu khác nhau, một tươi sáng đầy sức sống; một thấm đẫm lạc lõng, cô đơn, dự cảm bất an. Trước hết, bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ đầy sức sống gợi về từ quá khứ tươi đẹp thời tuổi trẻ đầy niềm yêu sống và hoài bão của Hàn Mặc Tử những ngày ở Huế. Thuở đó, khi anh thi sĩ lắm mộng mơ phải lòng cô gái Huế Hoàng Thị Kim Cúc, tâm hồn người đang yêu khi nào chẳng phơi phới. Vậy nên Vĩ Dạ sống trong lòng nhà thơ mới tràn trề nhựa sống như thế:


"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"


Vĩ Dạ nhiều cau. Những hàng cau xanh bát ngát của buổi sớm mai cộng hưởng ánh nắng vàng rực và sắc non tơ mơn mởn của vườn cây trái Vĩ Dạ sao mà khó quên đến thế. Mỗi sớm, mặt trời rọi ánh dương xuống xuyên qua kẽ lá cau dài đổ thành giàn đan xuống mặt đất. Những thân cau cao, thẳng, nhiều đốt. Nắng rọi xuống thân cau in bóng một cây thước khổng lồ đang cần mẫn đo đạc mực nắng. Ánh nắng chiếu xuống nhưng lại có sắc "mới lên". Một câu thơ có tới hai từ nắng. Hàn Mặc Tử đã lấy màu nắng để gột rửa sắc xanh ánh lên màu ngọc bích. Có ai không yêu một Vĩ Dạ đầy sống động như thế. Sống động tới độ có gương mặt chữ điền nào đó cứ say đắm ngắm nghía quên mọi thời gian và không gian?


"Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay"


Bức tranh thiên nhiên bỗng "cóc nhảy" đến không gian trời mây sông nước với những tình cảm đứt gãy và chia lìa. Vừa mới vườn non tơ mơn mởn đây thôi mà giờ chỉ có nước "buồn", hoa bắp cô liêu, "thuyền ai" bất định... Vừa mới đây thôi còn đằm đằm ấm ấm ánh mắt ai đó say đắm cảnh sớm mai. Nay bỗng chốc thấy bóng người đang chới với một "bến sông" mỏi mòn chờ "thuyền ai" đem ánh trăng hạnh phúc về. Bức tranh có sông, nước, hoa, thuyền, bến, trăng tràn đầy ấy sao chỉ có tiếng thở than thiu nghỉu, dự cảm không "kịp".


Ngoài tiếng buồn thở than, ta thấy bức tranh như đang bị cắt rời, lìa bỏ nhau. Gió thổi mây bay. Thế mà gió "lối gió", mây lại "đường mây". Thuyền và bến luôn luôn đi liền với nhau. Thuyền cần bến đậu. Bến có thuyền mới là bến. Vậy mà thi sĩ không rõ thuyền ai, thuyền đâu. Một bức tranh chỉ thấy sự cô liêu và đứt gãy. Thế nhưng, có một điều chúng ta thừa hiểu rằng. Người càng lo sợ, càng bất an thì càng chứng tỏ tình yêu vô bờ bến với thiên nhiên Vĩ Dạ.


Tóm lại, Hàn Mặc Tử đã sử dụng nhiều nghệ thuật khác nhau để thể hiện bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ như sáng tạo ngôn từ, gieo vần, bắt âm, từ dùng giàu sắc thái, giọng thơ linh hoạt. Qua đó, nhà thơ nói lên tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu nặng, thiết tha.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |