Phân tích bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" số 5
Nguyễn Khoa Điềm là một trong số ít những người vừa là nhà chính trị, vừa là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Những tác phẩm của ông thường đi từ những cái mộc mạc, gần gũi của quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của con người bằng một giọng thơ rất đỗi suy tư và nồng nàn.
Một trong những tác phẩm khá nổi tiếng của ông đó là bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Bài thơ xoay quanh hình ảnh người mẹ Tà-ôi địu con trên lưng cùng tham gia góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, qua đó thể hiện được tình mẫu tử thật thiêng liêng cùng với sự kiên cường mạnh mẽ của người mẹ Tà-ôi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung trong những năm tháng đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh.
Từ những câu thơ đầu tiên ta đã thấy được tình yêu thương thật tha thiết dịu dàng của mẹ dành cho con. "Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ", hai câu thơ này lần lượt trở đi trở lại trong suốt bài thơ. Ta nghe tưởng như người mẹ đang vỗ về, an ủi đứa con phải vất vả buôn ba theo mẹ, chịu nắng chịu mưa. Lòng mẹ thương con, nhưng cũng không muốn phải xa con, mẹ muốn con được theo sát bên mẹ, trong tầm mắt của mẹ, để mẹ có thể yên lòng mà lao động, sản xuất, chiến đấu.
Mẹ như tâm tình với con bằng một giọng rất đỗi dịu dàng, trìu mến, lại như giảng giải "Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội". Như vậy hạt gạo trắng ngần mà mẹ mất bao công sức làm ra, đôi tay vung chày mỏi rệu rã, là để dành nuôi sống gia đình và ý nghĩa hơn nữa là những hạt gạo ấy còn để dành phần lớn nuôi bộ đội, nuôi cách mạng nay đã sắp đến ngày thành công. Rồi mai đây đất nước thanh bình, mẹ và con sẽ chẳng còn phải vất vả nhiều thế nữa.
Như vậy dẫu cho ngày hôm nay "Giọt mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi", em phải ngủ trên lưng mẹ với giấc ngủ nghiêng theo nhịp chày cũng là xứng đáng. Tuy người mẹ Tà-ôi không thể cho đứa con mình một giấc ngủ được yên lặng, sung sướng, nhưng dường như tất cả những tình cảm yêu thương của người mẹ đã bù đắp lại điều ấy. Bởi em cu Tai đã có tấm lưng gầy của mẹ làm gối, tấm lưng mỏng của mẹ làm nôi và hơn tất cả trái tim của mẹ, tình yêu của mẹ dường như đã biến thành bài hát để ru em ngủ.
Em ngủ thật ngoan trong tình yêu của mẹ. Và trong những lúc lao động vất vả như thế, trong từng nhịp chày, người mẹ lại nghĩ đến đứa con yêu dấu của mình, nghĩ đế bộ đội đang ngày đêm vất vả, mẹ lại càng mong con thật mau lớn khỏe mạnh "vung chày lún sân", rồi mong cho thóc gạo thật nhiều để giúp cho bộ đội có cái ăn mà chiến đấu.
Người mẹ Tà ôi không chỉ làm hậu phương, vung chày giã gạo trong sân nhà, mà còn lên đồi, lên nương tỉa bắp, để tăng gia sản xuất góp phần cung cấp lương thực cho cuộc kháng chiến đang hồi gấp rút. Những hình ảnh sóng đôi mà Nguyễn Khoa Điềm đưa vào bài thơ thật độc đáo, góp phần nâng tầm vóc của người mẹ lên sánh vai cùng với thiên nhiên "Lưng núi thì to còn lưng mẹ nhỏ".
Đúng vậy tấm lưng mẹ vừa gầy guộc, lại vừa nhỏ bé nhưng nó gánh trên lưng bao nỗi vất vả, bao trách nhiệm vậy thì sánh với núi mẹ dường như cũng ngang bằng hoặc thậm chí còn có tầm vóc lớn hơn. Rồi hình ảnh "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng", lại càng đặc sắc hơn cả, người mẹ xem đứa con chính là mặt trời của bản thân, là nguồn sống, là động lực to lớn hơn cả.
Mẹ có làm lụng có vất vả, cực nhọc đến đâu thì chỉ cần nhìn con là mẹ lại như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Và trong lời ru trực tiếp thật tha thiết của người mẹ Tà-ôi, thì tình yêu thương con, yêu thương ngôi làng đói khổ lại càng thêm sâu sắc, cứ mỗi niềm thương ấy thì mẹ lại càng thêm mong mỏi cho con mau khôn lớn, mạnh khỏe để "phát mười K'lưi".
Đến khúc ru thứ ba, hình ảnh người mẹ trở nên ấn tượng hơn cả, người mẹ Tà-ôi không còn loanh quanh nơi góc sân nhà giã gạo, không còn còng lưng tỉa bắp trên đồi. Mà giờ đây mẹ còn mạnh mẽ hơn, mẹ bước từ hậu phương mẹ ra tiền tuyến, mẹ trực tiếp tham gia vào trận chiến. Bởi lẽ kháng chiến giờ đây đã gần đến thắng lợi sau cùng, tất cả gìa, trẻ, gái, trai đều xung phong đi chiến đấu.
Mẹ cũng vậy, mẹ cũng ra chiến trường, tham gia vào những công việc cực nhọc gấp trăm lần như chuyển lán, đạp rừng gian khổ biết bao nhiêu. Nhưng trong trái tim người mẹ Tà-ôi ấy tràn đầy niềm tin chiến thắng "Mẹ địu con đi để giành trận cuối", tin tưởng trận này nữa thôi đất nước sẽ lại hòa bình, tự do. Trong suốt quá trình chiến đấu ấy, ta phát hiện ra rằng em cu Tai vẫn cứ nằm trên lưng mẹ, em cùng mẹ ra vào chiến trường, cùng mẹ băng núi vượt rừng, chứng kiến tất cả những gian truân vất vả mà mẹ em đã trải qua.
"Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường/Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn", hai câu thơ đã chứng minh cho tình cảm mẹ con thật gắn bó, khăng khít, hai mẹ con luôn luôn đồng hành cùng nhau trong mỗi chặng đường dù là gian lao, vất vả, nắng mưa, nhọc nhằn. Và sau những gian lao, vất vả ấy, cuối cùng mong mỏi lớn nhất của mẹ chính là mong sao con được làm người tự do, mong sao đất nước Việt Nam sớm ngày được độc lập.
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là một bài thơ hay và đặc sắc, với giọng thơ mang âm hưởng lời ru của đồng bào Ê-đê, lời ru rất đỗi dịu dàng, thắm thiết vừa chân thành, lại vừa mộc mạc. Điều đó đã góp phần thể hiện được hình ảnh người mẹ Tà-ôi anh hùng, vừa kiên cường, vừa mạnh mẽ, chịu thương chịu khó, là đại diện cho hình ảnh những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương con tha thiết, là tình mẫu tử thật thiêng liêng, sâu xa hơn đó là tấm lòng yêu quê hương đất nước thật nồng nàn, mong muốn một cuộc sống tự do cho con, cho cả dân tộc Việt Nam.