Phân tích bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" số 10
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Những câu thơ ấy vang lên làm ta nhớ ngay đến một tác giả là một nhà thơ trữ tình chính luận thời kháng chiến chống Mĩ. Không ai khác đó chính là Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ thời chống Mĩ cứu nước. Giọng thơ của Nguyễn Khoa Điềm không cầu kì, rất giản dị, thanh thoát, nhưng cũng thấm đẫm triết lí sâu sắc. Ông nổi tiếng với rất nhiều bài thơ và ta không thể không nhắc đến bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.
Bài thơ được sáng tác năm 1971 khi tác giả đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên. Bài thơ kể về cuộc sống gian nan vất vả ở chiến khu và tình cảm thắm thiết mà người mẹ Tà-ôi dành cho con với mong muốn con lớn khôn khỏe mạnh giúp ích cho dân tộc.
Tình mẫu tử mãi mãi là tình cảm thiêng liêng và bất diệt nhất. Đúng như mọi người từng nói, đó là thứ tình cảm dùng tiền cũng không thể nào mua được. Để khai thác đề tài này nhiều tác giả đã viết rất sâu sắc và cảm động về tình mẫu tử như bài “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng,…
Để nối tiếp thành công ấy Nguyễn Khoa Điềm cũng khai thác về đề tài này nhưng lại biến hóa hơn một chút là tình mẫu tử trong những năm tháng chiến tranh. Tình cảm ấy của người mẹ Tà-ôi thật sự khiến chúng ta xúc động. Mở đầu bài thơ là một hình ảnh cảm động về người mẹ dân tộc Tà-ôi địu con trên lưng để lên rừng làm rẫy nuôi bộ đội phục vụ kháng chiến
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:”
Chao ôi câu thơ mở đầu nghe sau mà thương quá “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi”. Thay vì được ngủ trên niệm trên chiếu êm thì những em bé này phải ngủ vật và vật vựa trên bờ lưng “gầy nhấp nhô” của mẹ. Mẹ của em bé phải “giã gạo” “nuôi bộ đội”. Hàng loạt những hình ảnh gợi tả được Nguyễn Khoa Điềm miêu tả hết sức chi tiết.
Từ hình ảnh mẹ “giã gạo”, “mồ hôi mẹ rơi”,”vai mẹ gầy”,… cho thấy biết bao sự cực khổ và gian lao mà người mẹ dân tộc Tà-ôi đang gánh trên đôi vai gầy ấy. Mẹ có vất vả nhưng vẫn thương em bé, vẫn địu con trên lưng cùng mẹ, thứ tình cảm ấy quý giá và thiêng liêng. Dường như em bé cu Tai cũng cảm nhận được sự vất vả của mẹ:
“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”
Hiểu được sự vất vả của mẹ nên em bé ngủ ngoan trên lưng mẹ. Với hình ảnh tả thực ấy Nguyễn Khoa Điềm đã cho thấy sự gắn bó mật thiết của hai mẹ con. Hơi thở của em đều nhịp theo tiếng giã gạo của mẹ. Quả thật nếu ai từng chứng kiến cảnh giã gạo giữa ban trưa như thế nào thì mới cảm nhận hết nổi vất vả mà người mẹ Tà-ôi đang làm ngày hôm ấy.
“Mồi hôi mẹ rơi má em nóng hỏi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”
Với ngôn từ dễ hiểu Nguyễn Khoa Điềm đã chọn những hình ảnh tiêu biểu nhất của động tác giã gạo để đưa vào bài thơ. Làm hình ảnh em bé cu Tai và mẹ trở nên dễ thương và đồng điệu. Em bé ngủ say sưa và dường như cũng cảm nhận được “giọt mồ hôi mẹ rơi” trên má em nóng hổi. Mẹ vất vả nhưng mẹ vẫn rất thương thương yêu em bé. Lời ru của mẹ tha thiết và đầy trìu mến dành cho đứa con thơ, tiếng ru như dòng suối mát tinh khiết vỗ về em giữa ban trưa nơi núi rừng ôi bức:
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân…
Người mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng đặc biệt người mẹ Tà-ôi qua ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm lại càng yêu con gấp bội. Những từ “ơi” là những từ diễn tả cảm xúc rất tha thiết và chân thành. Mẹ thương con và mẹ cũng mong con có ước mơ về một tương lai tươi sáng. Mong “mai sau con lớn vung chày lún sân”. Mong con khỏe mạnh trưởng thành, giúp ích cho quê hương đất nước. Người mẹ dân tộc miền núi vừa địu con trên lưng vừa làm rẫy tỉa bắp, hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa:
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng
Lời vỗ về từ trái tim, lời yêu thương nhắn gửi trong trái tim người mẹ chân thành và tha thiết. Mong con hãy ngủ ngoan, ngủ yên giấc cho mẹ an tâm làm việc. Với những cảm xúc da diết tác giả cho thấy được sự vất vả của người mẹ Tà-ôi. Mẹ đang tỉa bắp trên núi nhưng “lưng núi to mà lưng mẹ nhỏ”. Một tấm lưng gầy mòn nhỏ nhắn của người mẹ dân tộc giữa rừng núi mênh mông với cánh đồng ngô bao la rộng lớn.
“ Em ngủ cho ngoan đừng làm mẹ mỏi”. Câu hát ru nhưng giống như một lời dạy bảo, bé cu Tai ơi ngủ ngoan cho mẹ làm việc bởi “mặt trời của bắp thì nằm trên đồi”. Và em chính là “mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”. Với nghệ thuật điệp ngữ “mặt trời” như muốn nhấn mạnh về một tương lai tươi sáng, tạo thêm sức mạnh niềm tin chiến thắng cho cuộc đấu tranh gian lao phía trước.
Cách nói đầy ẩn dụ ấy cho thấy được tình cảm của mẹ dành cho con sâu sắc biết dường nào. Bằng ngòi bút tinh tế và sự quan sát cùng với trải nghiệm nơi núi rừng ấy đã giúp bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm trở nên thu hút và rất chân thật. Người mẹ Tà-ôi chịu đựng mọi gian khổ, mọi vất vả phải vừa địu con vừa làm rẫy. Nhưng tất cả điều ấy chỉ với mong muốn con sau này có được cuộc sống ấm no. Những dòng tâm tình và những ước mơ ấy khiến bao người xúc động và đồng cảm với người mẹ dân tộc miền núi cao này:
-Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…
Với việc sử dụng nghệ thuật điệp ngữ được Nguyễn Khoa Điềm thường xuyên sử dụng như một lời tâm tình, một lời ru yêu thương ngọt dịu. "Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi". Mong con an giấc ngủ bình yên, con ngủ cho ngoan để mẹ an tâm mà làm rẫy. Lời hát ru nghe sao mà yêu thương và tha thiết đến thế. Những từ cảm thán “ơi”, “hỡi” để diễn tả cảm xúc và tình yêu thương sâu sắc của người mẹ dành cho con. Người mẹ Tà-ôi càng thương con bao nhiêu thì thương làng bấy nhiêu".
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…
Thương cho con phải chịu cực chịu khổ ngay khi còn thơ bé ở trên lưng mẹ. Mẹ lại càng thương cho “làng’ vì cái “đói” cái khổ đang hoành hành. Chiến tranh đã gây ra bao thiệt hại về mùa màng, về công sức và cả tiền của. Vốn dĩ miền núi cao đã chịu rất nhiều bất lợi về điều kiện phát triển kinh tế, vậy mà còn phải gánh chịu chiến tranh.
Mẹ chỉ còn mong mỏi vào giấc mơ của con, mong mỏi vào đứa con thơ có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn bây giờ. Người mẹ dân tộc Tà-ôi ấy không chỉ địu con giã gạo, đi núi bẻ bắp mà người mẹ ấy còn địu con tham gia kháng chiến.
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để giành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.”
Sự lặp lại hai câu thơ “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi”, “Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ” đã tạo nên âm điệu ngân nga, thấm dần vào người đọc một cảm xúc thân thương. Con cùng mẹ băng suối, vượt ngàn, đạp rừng xông tới. Cả nhà, cả làng, cả nước cùng đánh giặc. Người mẹ ấy không yếu ớt, mà là một người mẹ dũng mãnh có ý chí và nghị lực kiên cường rất đáng được ngưỡng mộ.
Dù trai hay gái đều tham gia chiến đấu “Anh trai cầm súng chị gái cầm chông”. Mọi người không phân biệt giới tính và với một tình yêu sâu nặng dành cho quê hương, đất nước. Nhịp thơ sôi nổi, giọng thơ thôi thúc hai câu thơ cuối đoạn như một lời thúc giục chiến đấu vì tương lai tươi sáng phía trước.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.
Cách ngắt nhịp 4/4 khiến hai câu thơ cuối thêm sinh động mà cũng trầm lắng những suy tư. Mong em phải mạnh mẽ cùng với mẹ vào chiến trường. Mong em được người mẹ Tà-ôi truyền lửa cách mạng ngay từ khi còn ở trên lưng mẹ. dù em có đói khổ em vẫn hăng say vào “Trường Sơn” tham gia kháng chiến. Khổ thơ cuối là lời ru mang nặng nỗi tâm tình suy tư và hoài bão lớn lao của người mẹ dân tộc miền núi:
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ thấy được Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…
Điệp khúc: Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi, Mẹ thương a-kay…, Con mơ cho mẹ…, Mai sau con lớn… đã thể hiện khát vọng cháy bỏng trong lòng người mẹ. Mẹ mong mỏi sẽ bắt gặp được lí tưởng của Đảng mà giác ngộ ra con đường cách mạng đúng đắn. Bào thơ là cả một bầu trời tâm tình và mơ ước cháy bỏng của người mẹ dành cho con. Lúc nào cũng “con mơ cho mẹ” và “mai sau con lớn”,…
Con là tài sản quý nhất của mẹ, tình mẫu tử vốn dĩ là thiêng liêng và cao cả. Tất cả những gì mẹ làm hôm nay cũng vì tương lai của con và cũng là tương lai của đất nước. với những việc làm ý nghĩa ấy, người mẹ Tà-ôi xứng đáng là đại diện cho người mẹ Việt Nam anh hùng. Với giọng thơ của Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc và trầm lắng dường như đã tạo nên một tiếng vang lớn trên bầu trời văn học nghệ thuật thời kháng chiến chống Mĩ.
Với giọng thơ nhẹ nhàng, ngân vang và sâu lắng dường như bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm đã ghi dấn ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng nghệ thuật điệp ngữ, hình ảnh gợi tả,tính từ cảm thán,… càng làm giọng điệu thơ thêm ngọt ngào.
Qua bài thơ trên, Nguyễn Khoa Điềm muốn gửi gắm hình ảnh người mẹ dân tộc Tà-ôi địu con trên lưng vất vả nuôi bộ đội phục vụ kháng chiến với mong mỏi đất nước hòa bình, tự do. Với ước mơ đẹp và cao cả ấy, những người mẹ nơi đây xứng đáng là biểu tượng cho người mẹ Việt Nam anh hùng và là tấm gương sáng chói cho muôn đời sau!