Phân tích 8 câu thơ cuối trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" số 13
“Truyện Kiều” là một tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyễn Du. Một trong những đoạn trích hay nhất trong tác phẩm là “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều cho thấy nỗi cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung hiếu thảo của nàng, đặc biệt là tám câu thơ cuối:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Tám câu thơ được chia làm bốn cặp lục bát, mỗi cặp đều mở đầu bằng cụm từ “buồn trông” nhằm nhấn mạnh cảm xúc bao trùm lên cả đoạn thơ, đó là nỗi đau xót, buồn tủi của nàng Kiều trước cảnh ngộ bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
Đầu tiên, nàng ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên rộng lớn trước lầu Ngưng Bích mà lòng nhớ về quê hương tha thiết. Cụm từ “chiều hôm” chỉ thời gian khi mặt trời dần ngả về phía Tây - thời điểm kết thúc của một ngày. Khoảng thời gian mà con người trở về nhà sau một ngày lao động mệt mỏi. Vậy mà Kiều lại một mình bơ vơ giữa bốn bề mênh mông, không người qua lại. Không gian, thời gian càng khiến nàng cảm thấy tủi thân. Kiều nhìn ra xa và trông thấy “cánh buồm” mà nhớ về những người thân, tự hỏi không biết ở nhà, cha mẹ và các em của nàng sống như thế nào.
Đến cặp câu thứ hai, ngắm nhìn những cánh hoa trôi theo dòng nước, Kiều xót xa cho số phận của bản thân. Cánh hoa kia cũng giống như cuộc đời của nàng vậy. Nó trôi giữa dòng nước mà không tránh khỏi bị vùi dập, không thể tự quyết định số phận của bản thân. Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa chính là vậy. Va Thúy Kiều cũng như vậy. Giờ đây, nàng đã không còn giữ được tấm thân trong trắng. Cuộc đời bị vùi dập không thương tiếc khiến Kiều tự hỏi rằng “biết là về đâu”. Hình ảnh con thuyền, cánh hoa được đặt trong thế tương phản đối lập với vũ trụ không cùng của trời đất mênh mang càng tô đậm hơn sự nhỏ bé, đơn độc, đáng thương và tội nghiệp của Thúy Kiều.
Đến cặp câu thứ ba, ta lại càng cảm nhận rõ được nỗi buồn của Kiều. Cảnh vật xung quanh lầu Ngưng Bích rộng lớn vẫn không thể chứa hết được tâm trạng của Kiều. Dưới con mắt đượm buồn, thiên nhiên chẳng thể nào tươi vui. Khắp chân mây đến mặt đất, từ trên cao xuống dưới thấp đều toàn là màu xanh. Nhưng đó không phải là màu xanh của sức sống như trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” - khi nàng còn sống “êm đềm” bên người thân:
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Mà đó là màu xanh của tuyệt vọng. Từ láy tượng thanh “rầu rầu” được tác giả sử dụng thật tinh tế đã gợi tả được tâm trạng của Thúy Kiều.
Đặc biệt nhất là ở cặp câu cuối cùng khiến người đọc hình dung được hình ảnh nàng Kiều dường như đang ngồi giữa đại dương mênh mông. Xung quanh nàng là tiếng sóng “ầm ầm” nghe mà thật đáng sợ. Những dự cảm về những bất hạnh trong tương lai bủa vây lấy Kiều, không có cách nàng thoát ra được. Càng cảm nhận được điều đó, nàng lại càng đau đớn, xót xa.
Đoạn thơ đã khéo léo sử dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình, qua việc miêu tả thiên nhiên mà khắc hoạ tâm trạng của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích vô cùng chân thực.