Núi Zion
Zion là một ngọn núi ở Jerusalem, nằm ngay bên ngoài các bức tường của thành phố cổ được xây dựng cách đây khoảng 500 năm dưới thời vua Suleiman the Magnificent. Từ Zion đã được sử dụng trong kinh Thánh tiếng Do Thái để chỉ thành phố của vua David, nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi. Hiện nay nó được dùng làm tên cho ngọn núi ở phía Tây thành phố cổ. Ngoài ra, cái tên Zion còn được dùng để chỉ toàn bộ vùng đất Israel; đồng thời nó đã xuất hiện 150 lần trong kinh Thánh theo nghĩa thần học và tâm linh về những đề cập đến Jerusalem, ngôi đền được xây dựng bởi Solomon, thiên đàng hoặc dân của Thiên Chúa.
Trong nhiều năm qua, núi Zion đã trở thành biểu tượng của Thánh địa nói chung và Jerusalem nói riêng. Vào cuối thời kỳ La Mã, một giáo đường Do Thái được xây dựng ở lối vào của công trình kiến trúc gọi là “lăng mộ David”. Có lẽ nó dựa trên niềm tin rằng vua David đã mang hòm giao ước đến đây từ trước khi lăng mộ được xây dựng. Trong cuộc chiến năm 1948, núi Zion bị lữ đoàn Harel chinh phục và trở thành phần duy nhất của thành phố cổ thuộc về Israel cho đến khi đình chiến. Lúc đầu, nó được liên kết với khu Do Thái Yemin Moshe băng qua thung lũng Hinnom thông qua một đường hầm hẹp. Nhưng sau đó người ta cần có một giải pháp khác thay thế để sơ tán những người bị thương cũng như vận chuyển đồ tiếp tế cho binh lính trên núi. Thế nên, một cáp treo có khả năng chịu tải 250kg đã được thiết kế cho mục đích này. Cáp treo chỉ được sử dụng vào ban đêm và hạ xuống thung lũng vào ban ngày để tránh bị phát hiện, cho đến hiện nay nó vẫn còn tồn tại ở vị trí cũ.
Từ năm 1948 đến năm 1967, khi thành cổ nằm dưới sự cai trị của Jordan, người Israel bị cấm tiếp cận các Thánh địa của người Do Thái. Núi Zion được chỉ định là vùng đất không có người ở giữa Israel và Jordan; nhưng nó là địa điểm có thể tiếp cận gần nhất với đền thờ Do Thái cổ đại. Cho đến khi Đông Jerusalem bị Israel chiếm trong cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày, người Israel vẫn leo lên tầng thượng của Lăng Mộ David để cầu nguyện. Con đường quanh co dẫn lên núi Zion được gọi là “con đường của Giáo Hoàng”. Nó được lát đá để vinh danh chuyến viếng thăm lịch sử tới Jerusalem của Đức Giáo Hoàng Paul VI vào năm 1964.
Năm 1874, một người Anh tên là Henry Maudsley, đã phát hiện ra một đoạn lớn vách đá cùng vô số tảng đá cổ được mài giũa trên núi Zion được cho là nền móng của Bức Tường Thứ Nhất. Một số viên đá này được dùng để xây tường chắn bên ngoài cổng chính của Viện Nghiên Cứu Thánh Địa Hoa Kỳ và Đại Học Jerusalem.