Núi Bài Thơ
Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi đẹp nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Ngọn núi này đã làm xúc cảm bao tâm hồn thi sĩ. Trên núi hiện nay còn lưu lại các bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông khắc trên đá năm 1468, và của Trịnh Cương năm 1729 được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long. Núi hình thành từ kỷ Đê-vôn, trong cuộc vận động tạo núi Indonesia. Đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, cao 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo nhọn hoắt làm cho núi có một vẻ cổ kính, huyền bí. Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng. Nhưng từ năm 1468, khi vua Lê Thánh Tông cho khắc bài thơ lên vách núi, Truyền Đăng đuợc đổi thành tên gọi Bài Thơ.
Nằm kề ngay bên vịnh Hạ Long, nhìn từ xa núi Bài Thơ trông như một toà lâu đài khổng lồ với ba ngọn tháp nhấp nhô trên những bức tường thành kiên cố. Nếu nhìn từ nhiều góc độ người ta nhìn thấy núi có lúc thì có dáng như hổ phục, lúc lại có dáng như sư tử vờn mồi, có lúc lại như con rồng sắp cất cánh. Bạn sẽ cảm thấy điểm thú vị của núi Bài Thơ ngay từ trên đường bước lên núi. Với những bậc thang có sẵn và vách núi với hàng nghìn loại cây khác nhau, vừa leo núi vừa cảm nhận hương thơm và làn gió biển sẽ giúp bạn bớt mệt đi phần nào đấy. Lên đến đỉnh núi Bài Thơ bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đây từ những năm kháng chiến chống Pháp, khi một người thợ mỏ đã dũng cảm vạch đường lên núi cắm cờ, kêu gọi tinh thần đấu tranh bất khuất của công nhân mỏ lúc bấy giờ và tấm bia đá khắc lịch sử của ngọn núi đang đứng hiên ngang vững chãi tại đó.
Địa chỉ: TP. Hạ Long, Quảng Ninh