Những lễ hội đặc sắc tại Ninh Bình
Top 8 trong Top 10 Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình thú vị nhất
Ninh Bình – vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh kỳ thú, nhiều di sản văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới… và đặc biệt là những lễ hội tâm linh độc đáo được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Những lễ hội đặc sắc tại Ninh Bình:
- Lễ hội Chùa Bái Đính: Chùa Bái Đính là một công trình lớn, đồ sộ nhất ở Ninh Bình với nhiều kỷ lục được công nhận tầm cỡ quốc gia và Đông Nam Á. Chùa có diện tích rộng với nhiều hạng mục như khu chùa Bái Đính cổ tự, Điện Tam Thế, Bảo Tháp, điện Quán Thế Âm, tháp Chuông,… thu hút khách du lịch từ nhiều nơi. Lễ hội Chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán và bắt đầu từ chiều ngày mồng 1 Tết. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của các vị anh hùng dân tộc của nước nhà, cầu cho quốc thái dân an.
- Lễ hội đền Thái Vi: Lễ hội đền Thái Vi là một lễ hội lớn thuộc xã Văn Lâm, thường được tổ chức từ 14 đến 16 tháng 3 âm lịch nhằm mục đích thờ cúng vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu, trong đó, người đặc biệt nhất là vua Trần Thái Tông - người đã khai hoang, lập ấp, chiêu dân để xây dựng nên căn cứ địa Văn Lâm cho lần chống quân Nguyên Mông lần hai. Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão Dậu với quy mô vô cùng lớn. Đây là lễ hội làng tổng, từ xa xưa tất cả các làng của tổng Vũ Lâm đều tổ chức lễ hội này, các làng luôn phiên nhau cùng rước kiệu thánh về đình Các để tế lễ.
- Lễ hội truyền thống Cố Đô Hoa Lư: Lễ hội Cố Đô Hoa Lư hay còn gọi là lễ hội Trường Yên là một lễ hội truyền thống được tổ chức ngay tại Cố Đô Hoa Lư. Lễ hội này được tổ chức thường niên vào ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch. Lễ rước bài vị của vua Lê, vua Đinh được diễn ra hoành tránh với đội ngũ rước lễ và đoàn kèn trống âm vang. Đại lễ gồm có lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ tưởng niệm và lễ hội thả hoa đăng. Phần hội luôn bao gồm những trò chơi dân gian thú vị, thu hút nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch đến tham gia.
- Lễ hội Tràng An: Lễ hội Tràng An thường được diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch, đây là một lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh, quảng bá, mở rộng du lịch Tràng An ra tầm cỡ thế giới. Lễ hội truyền thống Tràng An mở ra để tưởng nhớ công lao của Đức thánh Quý Minh Đại Vương, người đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc dân tộc.
- Lễ hội Giáng sinh tại Nhà thờ đá Phát Diệm: Nhà thờ đá Phát Diệm được coi như là kinh đô Công giáo của Việt Nam. Hàng năm, các giáo xứ đều tấp nập mở lễ hội Giáng sinh để mừng ngày Chúa Jesu ra đời. Trước Giáng sinh mấy ngày, tất cả mọi người đều hào hứng chuẩn bị trang hoàng lại thánh đường. Xung quanh là những dãy đèn lồng trải dài dọc theo các hành lang lối đi bằng đá cùng với các bức tranh mô tả lại cuộc đời Chúa Jesu, các vị giáo xứ cũng đặt lại mô hình hang đá tượng trưng cho nơi Chúa hạ phàm. Sân khấu được dàn dựng ngay trong khuôn viên nhà thờ, mọi người tranh thủ tập luyện các tiết mục văn nghệ, hát thánh ca nhằm phục vụ du khách.
- Lễ hội truyền thống thờ Đức Thánh Minh Đại Vương: Thời gian diễn ra: 18/3 âm lịch tại đền Trần, xã Minh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đức Thánh Minh Đại Vương là một trong số những vị thần được dân chúng thờ tụng theo tín ngưỡng dân gian. Tại Ninh Bình thì Đức Thánh được thờ tại các địa phương như: Đình làng Sinh Dược, Xã Gia Sinh (Gia Viễn); Núi Cánh Diều (Thành phố Ninh Bình); núi Thiện Dưỡng, đền Kê Thượng, Xã Ninh Vân (Hoa Lư) và Đền Trần thuộc Khu Du lịch Tâm linh Tràng An - Bái Đính. Lễ hội truyền thống thờ Đức Thánh Minh Đaị Vương tại khu sinh thái Tràng An là một trong những lễ hội ở Ninh Bình đặc sắc thu hút rất đông du khách thập phương tham gia. Điểm độc đáo của lễ hội là lễ rước nước, tế lễ và phóng sinh trên sông với hàng ngàn chiếc thuyền. Đoàn thuyền rước này sẽ vượt qua hơn 5 km trên sông và xuyên qua hơn 11 hang động trên sông Sào Khê. Tham gia đoàn thuyền rước này du khách vừa được hòa mình vào không khí linh thiêng của lễ hội, vừa được chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc Tràng An đẹp vô cùng. Sau khi vượt qua hơn 11 hang động, đoàn rước sẽ được chia làm đôi, một nửa sẽ tiếp tục cuộc hành trình trên sông, nửa còn lại sẽ cập bến và rước lễ trên bờ. Đoàn rước lễ trên bờ sẽ vượt qua 3 quả núi với quãng đường hơn 3 km để về đền Nội Lâm để cử hành các nghi thức tế lễ.
- Lễ hội Báo Bản Nộn Khê: Thời gian diễn ra: ngày 14 tháng Giêng âm lịch tại đình làng Nộn khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Cứ vào dịp trung tuần tháng Giêng âm lịch hàng năm, làng Nộn Khê tại xã Từ Yên, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lại tổ chức lễ hội Báo Bản - lễ hội truyền thống với ý nghĩa nhớ về cội nguồn, báo đáp công ơn những bậc tiền nhân đã khai phá, lập làng. Đây cũng là dịp con cháu của làng dù ở đâu xa cũng cố gắng trở về thăm quê, dự hội làng. Lễ hội gồm phần lễ dâng hương suy tôn công đức của các bậc tiền bối đã lập ra làng xã và kính báo lên Thành Hoàng, tổ tiên gia tiên về sự thành đạt, hiếu học của con em các họ trong làng và bố cáo thành tích của làng đã làm được trong năm qua. Sau phần lễ là phần hội vô cùng sôi động với các trò chơi: đấu vật, đánh cờ, múa lân và các hoạt động thể dục thể thao.
- Lễ hội Kỳ Phúc đình Cam Giá: Thời gian diễn ra: ngày 12/10 âm lịch tại đình Cam Giá, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Lễ hội được tổ chức vào này 12/10 âm lịch hàng năm, mang nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Cam Giá nói riêng và mảnh đất Ninh Bình nói chung. Lễ hội Kỳ Phúc gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm 4 lễ: Lễ cáo yết, lễ cầu an, lễ dâng hương và lễ tất. Phần tế lễ do 10 cụ cao niên được làng cử ra thực hiện. Việc tế lễ được tổ chức long trọng, trang nghiêm, thực hiện theo nghi lễ truyền thống với tấm lòng thành kính, giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hoá của quê hương. Phần hội vừa mang tính dân gian vừa có tính hiện đại, hầu hết mọi người dân đều có thể tham gia như: các hoạt động múa rồng, múa lân, hội diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như kéo co, cờ người.
- Lễ hội đền La: Thời gian diễn ra: từ ngày 13 - 15 tháng Giêng âm lịch tại thôn La Phù, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây là một lễ hội đã có từ lâu đời, được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến hai vị vua thời hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế. Lễ hội đền La gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ rước đi vòng quanh đền La, sau đó là lễ dâng hương và đọc văn tế. Tất cả đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính của những người dân tham gia lễ hội. Nhưng vui nhất và được mong chờ nhất phải kể đến phần hội với nhiều màu sắc độc đáo. Những trò vui dân gian như đánh đu, đánh cờ, múa hát, kéo chữ với những tiết mục rất độc đáo. Có một điểm đặc biệt là hội có tục lệ dâng “xôi Vựng”. Một loại xôi làm từ gạo nếp trắng và thơm nhất. Ở đây, từng làng sẽ tham dự thi xôi và làm đồ cúng.
- Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn: Thời gian diễn ra: từ ngày 8 - 10/3 âm lịch tại làng Điềm, xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Đền Thánh Nguyễn được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tháng 2 năm 1989. Như các đền thờ thần Cao Sơn, thần Thiên Tôn và thần Quý Minh trong Hoa Lư tứ trấn, lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra cùng dịp với lễ hội cố đô Hoa Lư hằng năm.
- Lễ hội chùa Địch Lộng: Thời gian diễn ra: mùng 6 - 7/3 âm lịch tại chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Trong các điểm tham quan du lịch Ninh Bình, chùa Địch Lộng vẫn thường xuyên được nhắc đến như một dấu ấn đặc sắc về kiến trúc chùa chiền và tâm linh. không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp mà lễ hội ở chùa cũng thu hút du khách. Lễ hội chùa Địch Lộng là một trong những lễ hội ở Ninh Bình lâu đời và là lễ hội truyền thống của người dân huyện Gia Viễn.
- Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ: Thời gian diễn ra: từ ngày 14 - 16/11 âm lịch tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đây là lễ hội lớn nhất của cư dân huyện mới ven biển Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Lễ hội được tổ chức để để ghi nhớ công ơn và tưởng niệm ngày mất của Doanh điền Nguyễn Công Trứ – người đã chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra huyện Kim Sơn (núi vàng) của Ninh Bình và Tiền Hải (biển bạc) của Thái Bình.