Những cái Tết của mẹ tôi
Đối với mẹ tôi, Tết đồng nghĩa với những lo toan bất tận, chuẩn bị tất bật những món ăn cho cả nhà. Những ngày giáp Tết, mẹ tôi đi về như con thoi, tranh thủ đi mua sắm ngoài giờ đi làm hay vào Chủ nhật. Những khoản tiền dành dụm cả năm cho cái Tết của một gia đình có tám người được mẹ dốc ra tiêu dùng hết cho mấy ngày Tết. Tôi làm sao có thể quên được dáng mẹ đi tất tả đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, với chiếc nón lá sờn rách bị gió thổi ra phía sau trên đầu mẹ tôi, trên xe chở đầy các loại hàng Tết mẹ mua về từ chợ Chuối.
Có hôm mẹ tôi phải đi chợ đến hai ba lần mới mua đồ xong nhưng mẹ vẫn không quản ngại, cố đạp xe đi về nhiều lần để mua cho đủ. Một cái Tết tuy chưa thật đủ đầy như những nhà người khác nhưng mẹ cố gắng chuẩn bị thật tươm tất trong khả năng tiền bạc của gia đình. Cũng có năm nhà tôi cũng tát ao lấy cá ăn Tết. Có nhiều năm nhà tôi nhờ nhà cô ruột tôi gói và luộc bánh chưng luôn vì bố mẹ tôi đều bận đi làm đến tận chiều ngày 30 Tết. Chúng tôi cảm thấy thiếu vắng không khí chuẩn bị luộc bánh chưng, bận rộn nhưng lại vui trong những ngày giáp Tết mà chỉ hàng xóm mới có. Nào là, trải chiếu ra giữa sân, nào là rửa lá dong rừng và lá chuối, chẻ lạt buộc, làm khuôn lá dừa, vớt gạo nếp và đỗ xanh đã ngâm nước từ tối hôm trước để bánh chưng mau chín và dẻo ngon, chuẩn bị củi và nồi luộc bánh chưng, bố mẹ và con cái tíu tít gọi nhau, phân việc cho nhau làm, thật bận rộn. Chúng tôi đành sang hàng xóm để xem người ta làm để vui lây không khí nhộn nhịp đó.
Nhà tôi có một cái chuồng gà khá to, bố tôi thuê người ta đóng bằng cây luồng trên rừng, nuôi khoảng 20 con, cả trống và mái để dành đến Tết để giết thịt. Có năm trước Tết, đàn gà nhà tôi do bị dịch khiến chết hết làm cho món thịt gà ưa thích của tôi không có trong thực đơn ngày Tết nữa. Tôi cảm thấy cái Tết đó chưa thật trọn vẹn chỉ vì không có món thịt gà khoái khẩu của tôi.
Thời đó, gà nuôi chỉ để giết thịt khi có khách đến chơi nhà và giỗ, Tết mà thôi. Ngày thường, dù có thèm ăn cũng không có lý do gì để được ăn món thịt gà, vốn được xem là món để dành đãi khách thôi. Mỗi khi có khách hay họ hàng đến chơi, chúng tôi đều mừng thầm vì biết chắc sẽ được ăn món thịt gà mơ ước rồi.
Có năm, gần Tết, bọn trộm chui vào chuồng bắt sạch đàn gà nhà tôi. Mẹ tôi tiếc ngẩn ngơ, ngồi lẩm bẩm chửi bọn ăn trộm không chừa lại một con nào để nhà mình ăn Tết, cướp công nuôi gà cả năm của mẹ. Thế là mẹ tôi phải ra chợ chỉ mua được vài con để cúng và ăn Tết. Chúng tôi xuýt xoa, căm giận bọn ăn trộm chỉ vì chúng đã cướp mất món ngon hằng mong chờ của trẻ con ngày Tết.
Chỉ đến đêm Giao thừa thì mọi lo toan, mua sắm Tết của mẹ tôi mới hết. Cả chiều và tối 30, mẹ tôi lại lúi húi dọn dẹp bếp và nấu mấy món ăn cho cả nhà trong mấy ngày Tết. Gần đến Giao thừa, tôi thấy mẹ rất mệt mỏi vì phải làm quá nhiều việc nhưng mẹ tôi vẫn cố làm cho xong trước thềm năm mới.
Rồi cũng đến một cái Tết, tôi không còn thấy dáng mẹ hối hả đạp xe ra chợ sắm Tết nữa, không còn thấy những giọt mồ hôi rịn trên trán mẹ mặc dù đang mùa đông vì mẹ phải gồng mình đạp vội xe đạp nặng trĩu hàng hóa, đi rồi lại quay về rồi đi tiếp, không còn thấy niềm vui trên khuôn mặt mẹ khi mẹ mua được món đồ giá rẻ hơn ở ngoài chợ, không còn thấy niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt mẹ khi mẹ nhìn thấy mọi người quây quần bên mâm cỗ, ăn những món ngon do mẹ nấu. Đó là niềm vui thật bình dị của người vợ, người mẹ được chăm sóc, lo toan cho những người thân yêu của mình.
Không ngờ rằng Tết năm trước đó là cái Tết cuối cùng chúng tôi còn bên mẹ, còn được ăn những món ăn ngon mẹ nấu mà dư vị bây giờ tôi vẫn còn nhớ, còn được nghe giọng mẹ hồ hởi kể chuyện vui buồn của cuộc sống mẹ nghe thấy ở ngoài chợ. Tất cả bây giờ chỉ còn là ký ức ngọt ngào, đầy ắp nhớ thương về mẹ thân yêu của tôi.
Sưu tầm