Nhân vật Thị trong "Vợ nhặt"

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân viết lên bằng cái ám ảnh rùng rợn của nạn đói đầu năm 1945 trong tâm trí của tác giả cũng là trong tâm trí của người dân miền Bắc. Nạn đói thê thảm bao trùm khắp không gian và biến một người đàn bà thành cô “vợ nhặt”. Có thể nói nhân vật người vợ nhặt là một trong những nhân vật độc đáo nhất trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, ẩn chứa nhiều quan niệm nghệ thuật và triết lý sống sâu sắc.


Nhân vật người vợ nhặt hiện lên trong nạn đói vô cùng thê thảm, thị bị cái đói dồn tới bước khó khăn có lúc như mất đi vẻ đẹp dịu dàng nữ tính vốn có. Người vợ nhặt không có tên. Thị nghèo khổ tới mức không có một cái tên riêng cho mình. Cái đói, cái nghèo còn tước đoạt cả vẻ đẹp hình thể, làm cho chị ta tiều tụy cả về hình dáng: “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”, “cái bụng gầy lép”, “bộ quần áo rách như tổ đỉa”. Thị “ton ton” chạy theo Tràng đẩy xe, liếc mắt cười tình. Thị “sưng sỉa” đòi ăn. Thị “chao chát”, “chỏng lỏn”, “đon đả”: “Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì!”… Vì miếng ăn nhất thời mà chị sẵn sàng theo không một người đàn ông xa lạ. Vài câu nói tầm phơ tầm phào và bốn bát bánh đúc mà thị trở thành vợ “nhặt về” của anh phu Tràng - một kẻ ế, nghèo, ngơ ngẩn. “Cô dâu” - thị về nhà chồng mà không tài sản, không nhan sắc. Cái đói khiến thị thành vật vô giá trị. Về phương diện này người vợ nhặt còn không bằng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Mị tuy bị áp bức tới vô cảm, chẳng bằng thân trâu ngựa nhưng ít ra còn xinh đẹp và tài hoa. Còn thị, ngay cả cái phần ưu ái thường dành riêng cho phụ nữ thì tạo hóa cũng từ chối cho người đàn bà này. Cuộc sống đã đói khổ khiến thị mất đi cái duyên con gái, vừa nghe được ăn thì đã “ton ton chạy lại đẩy xe bò” cho Tràng. Rồi lại còn “chạy tới xưng xỉa đòi ăn”, đến khi được ăn thì “cắm đầu ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” và “hai con mắt trũng hoáy sáng lên”. Thị gần như mất hết lòng tự trọng, chẳng có nét gì là của người phụ nữ nông thôn.


Thế nhưng bản chất của chị không phải là người đanh đá, nanh ác, cơ hội. Thực chất là do hoàn cảnh khiến cho thị thành như vậy. Cho nên cho đến khi được hạnh phúc gia đình, thị bỗng trở về bản chất lương thiện chu đáo vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Từ khi trở thành “cô dâu”, thị e thẹn, ngượng ngùng thật đáng yêu khi về nhà chồng. Sau đêm tân hôn, thị gần như trở thành người khác. Thị biết lo toan, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Thị cùng bà cụ Tứ dọn sân vườn, nhổ cỏ, đem mấy bộ quần áo ra hong, cái ang khô cũng đầy ắp nước… mang lại hơi thở mới cho căn nhà. Bữa cơm ngày đói tuy đơn sơ, miếng cháo cám đắng ngắt nhưng chính thị là người khơi dậy khát vọng sống của mọi người khi nhắc tới cảnh Việt Minh phá kho thóc Nhật cứu đói. Chi tiết này đã hé mở con đường giải thoát cuộc đời cho con người và khao khát một tương lai tươi sáng ở nhân vật người vợ nhặt.


Như vậy, thông qua hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân đã phản ánh tình trạng thê thảm và niềm thương cảm sâu sắc với số phận con người lao động nghèo khổ trong nạn đói 1945. Hình ảnh người vợ nhặt là hiện thân cho bản chất tốt đẹp của con người, cho khát vọng hạnh phúc gia đình và hiện thân của khát vọng sống.

Nhân vật Thị trong
Nhân vật Thị trong "Vợ nhặt"
Nhân vật Thị trong
Nhân vật Thị trong "Vợ nhặt"

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |