Nhân vật cụ Mết trong "Rừng xà nu"
Đọc tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành ta không chỉ ấn tượng với một Tnú kiên gan, dũng cảm nhưng cũng rất giàu tình yêu thương. Mà ta còn ấn tượng một già làng hết sức kiên cường, bất khuất, là sợi dây là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là người tiếp lửa và truyền lửa cho thế hệ mai sau.
Dù chỉ là một nhân vật phụ trong tác phẩm, nhưng cụ Mết có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy nên ngoại hình cũng như tính cách nhân vật luôn được nhà văn hết sức chú trọng.
Đọc những đoạn văn nói về cụ Mết, ta ấn tượng về một người già làng mạnh mẽ, quyết đoán, tuy lớn tuổi nhưng còn mạnh khỏe và hết sức minh mẫn: “một bàn tay trắc nịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt” những từ nhữ miêu tả khác như “quắc thước” “mắt sáng và xếch ngược” “vết thẹo ở má bên phải vẫn láng bóng” “ngưng căng như một cây xà nu lớn” đã cho thấy sức vóc, cũng như thần trí tinh thông của cụ.
Qua sự miêu tả của tác giả ta có thể thấy cụ Mết là người đàn ông từng trải, sắc sảo, kiên cường, có uy lực mạnh mẽ đối với cộng đồng. Những lời nói, lời chỉ huy của cụ hết sức mạnh mẽ, quyết đoán khi thì “vang” để kêu gọi đồng bào đứng lên khi lại “trầm và nặng” để kể về quá khứ lịch sử, để khắc sâu vào tâm khảm thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, khơi dây lòng căm thù giặc. Lời khen đối với cụ là điều vô cùng hiếm hoi, ai làm tốt lắm, cụ cũng chỉ khen một chữ “được”. Yêu cầu cao đối với người khác như vậy, chứng tỏ bản thân cụ cũng rất khe khắt với chính mình.
Sâu thẳm trong tâm hồn người có vẻ ngoài kiên cường, cứng rắn ấy lại là con người có tình yêu quê hương sâu sắc, sự gắn bó sâu nặng với quê hương. Tình yêu quê hương được thể hiện qua những câu nói hết sức chân thành “không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta” “gạo người Strá mình làm ra là ngon nhất núi rừng này”. Đối với cụ Mết bất cứ sơn hào hải vị nào cũng không thể sánh được với sản vật quê hương.
Trong những năm kháng chiến chống Mĩ hào hùng, ác liệt, cụ Mết chính là cây xà nu lớn, là chỗ dựa tinh thần cho bản làng, để đưa đường chỉ lối cho nhân dân. Cụ là người đem Đảng đến với mọi người, cụ trung thành tuyệt đối với cách mạng. Đối với cụ “cán bộ là Đảng còn, núi nước này còn”. Cụ gắn sinh mệnh của nhân làng với sinh mệnh của Đảng, từ đó nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người phải hết mình cống hiến cho đảng, tiêu diệt giặc Mĩ. Trong năm tháng kháng chiến gian khổ với Mĩ, cụ cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng, cụ luôn động viên, dặn dò mọi người dự trữ lương thực, bởi cuộc chiến với giặc Mĩ là cuộc chiến trường kì.
Nếu như Tnú có đôi lúc vì tình thân mà có những hành động cảm tính thì cụ Mết lại là người hết sức tỉnh táo, sáng suốt trong việc nhận định tình hình. Cụ có thể khống chế cảm xúc của bản thân trong những lúc gay go, quyết liệt nhất để đưa ra những hành động chính xác, đứng đắn lãnh đạo nhân dân nổi dậy đấu tranh. Trước trận đòn roi mà Mai phải chịu đựng, cụ đã có quyết định hết sức sáng suốt “Tao cũng chỉ có hai bàn tay không. Tạo quay vào rừng… tìm bọn thanh niên… tìm giáo mác”. Ý chí sáng suốt đó của người đứng đầu đã giúp dân làng chiến thắng lại kẻ thù tàn bạo.
Trong quá trình đấu tranh sẽ xảy ra biết bao đau thương mất mát. Kể lại với con cháu, cụ Mết không chỉ nhắc lại những đau thương, những chiến thắng ta đạt được, mà còn khái quát quy luật trong chiến đấu, trong cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Sự khái quát đó là vô cùng chính xác và đúng đắn với lịch sử cách mạng nước nhà. Khi quân thù xâm lược, ta không thể nhún nhường, nhượng bộ mà phải sử dụng bạo lực cách mạng để giành lại tự do, độc lập cho muôn dân.
Cụ Mết là một hình tượng đẹp đẽ, là người đứng đầu, người dẫn dắt chỉ lối cho thế hệ mai sau. Với ngòi bút miêu tả đặc sắc, chân thật tác giả đã tạc lại cho bạn đọc một chân dung thật sống động về người già làng của người Tây Nguyên. Qua nhân vật này, Nguyễn Trung Thành thể hiện tấm lòng ca ngợi chân thành với những con người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến trường kì với đế quốc Mĩ.