Nhà thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân
Ngoài ra, Cổ Đô còn có một vị Thượng thư thứ hai là Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, là tác giả bài Ngã Ba Hạc Phú nổi tiếng. Ông vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học, vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở đây”.
Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất, ngày 27 tháng giêng năm Canh Thìn (1700). Cha ông là Nguyễn Công Hoàn, khi ấy đã ba mươi tuổi, mới sinh ông là con đầu lòng. Nguyễn Công Hoàn tên hiệu là Mai Hiên, tên chữ là Hạo Nhiên, là một người tài tử nổi tiếng thời bấy giờ. Ông là người văn tài xuất chúng, trong kinh ngoài trấn ải ai cũng kính phục. Người ta gọi ông là một trong “Tràng An tứ hổ” (Bốn con hổ đất Thăng Long). “Tứ hổ” đó là: Nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Nguyễn Công Hoàn, tài ba xuất chúng nhưng về con đường khoa cử thì lận đận. Ông thường đi dạy học ở khắp nơi. Tới khi Nguyễn Bá Lân 15 tuổi (1714) thì ông mới trở về nhà chuyên tâm dạy con học hành hàng ngày.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân dự kỳ thi Hương và đỗ đầu kỳ đó, gọi là đỗ Giải nguyên. Hai năm sau, ông lại đỗ kỳ thi Hội và đến khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Bá Lân đã từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã hết lời ca ngợi phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi).
Ngày 18 tháng 02 năm 2004, mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô đã được ngành chức năng xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo quyết định số 04/2004.