Nhà thờ Hồi giáo Xanh - Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà thờ Hồi giáo Xanh, còn có tên gọi khác là Nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed - được xem là một trong những nhà thờ thời đế chế Ottoman hùng vĩ nhất, và cũng là duy nhất tại Istanbul-Thổ Nhĩ Kỳ có sáu ngọn tháp. Điều này trái ngược với hai hoặc bốn ngọn tháp thông thường ở hầu hết các nhà thờ Hồi giáo trong thành phố. Xây dựng từ năm 1609 đến năm 1616 sau công nguyên dưới sự trị vì của quốc vương Ahmed I. Thiết kế của nó như một sự phô trương sức mạnh đế quốc, để bổ sung cho nhà thờ Hồi giáo Hagia Sophia hùng vĩ. Tuy nhiên, không giống như Hagia Sophia, nó được hỗ trợ với bốn cột "chân voi" cùng mái vòm trung tâm có đường kính gần 24m, cao 43m; bao quanh gồm bốn mái vòm khác. Tên gọi “nhà thờ Hồi giáo Xanh” bắt nguồn từ cấu trúc hơn 20.000 viên gạch Iznik bằng gốm thủ công trang trí nội thất, cùng nhiều kiểu dáng hoa tulip, hoa hồng, hoa cẩm chướng, các loại hoa huệ khác nhau; đồng thời còn được thắp sáng bởi 260 cửa sổ.
Nó được xây lên giữa nhà thờ Hagia Sophia và trường đua ngựa Byzantine, gần cung điện Topkapi - nơi ở của hoàng gia Ottoman. Trước sân là đài phun nước lớn, cùng khu vực đặc biệt để rửa tội. Một sợi xích sắt được treo ngay lối vào ở phía tây, và chỉ có quốc vương mới được phép cưỡi ngựa vào đây. Ông sẽ phải cúi đầu xuống để không va vào dây xích - cử chỉ này mang tính biểu tượng đảm bảo sự khiêm tốn của người cai trị trước Thánh Allah. Bằng các tác phẩm của mình, kiến trúc sư Sedefkar Mehmet Aga đã để lại dấu ấn quyết định ở Istanbul, có thể được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Yếu tố quan trọng nhất trong nội thất nhà thờ Hồi giáo là Mihrab - chất liệu được làm bằng đá cẩm thạch chạm khắc tinh xảo, với một hốc thạch nhũ, các bức tường liền kề ốp bằng gạch men. Nhiều ngọn đèn bên trong từng được dát vàng và đá quý. Trong số những chiếc bát thủy tinh, người ta có thể tìm thấy trứng đà điểu cùng quả cầu pha lê. Tất cả các đồ trang trí này đã bị cướp bóc hoặc bị dỡ bỏ để dành cho các viện bảo tàng.
Vào năm 2016, lần đầu tiên có thông báo rằng các nhà thờ Hồi giáo sẽ tiến hành một loạt cải tạo. Nhiều công việc trùng tu đã được hoàn thành ở khắp Istanbul, và việc khôi phục nhà thờ Hồi giáo Xanh cũng chính là dự án cuối cùng. Mọi thứ diễn ra trong ba năm rưỡi - hoàn thành vào năm 2020.