Nhà thờ Hồi giáo Sultan Qaboos - Oman
Sultan Qaboos là đại thánh đường Hồi giáo lớn nhất nằm ở thủ đô Muscat-Oman (một quốc gia tại Trung Đông); với 4 phần: phòng cầu nguyện chính, phòng cầu nguyện nữ, thư viện và giảng đường. Đây được xem là một trong những nhà thờ Hồi giáo hiện đại cũng như đẹp nổi bật trên thế giới, có thể chứa tổng cộng 20.000 tín đồ. Năm 1992, quốc vương Oman lúc bấy giờ là Qaboos bin Said al Said đã chỉ đạo rằng đất nước của ông nên có một nhà thờ Hồi giáo lớn, nó sẽ như món quà dành cho quốc gia để kỷ niệm thập kỷ thứ ba mà ông nắm quyền. Và quả thật, đây chắc chắn là công trình vĩ đại nhất trong số 50 nhà thờ Hồi giáo mà vị quốc vương này ủy thác trong suốt gần nửa thế kỷ trị vì của mình; bao gồm các nhà thờ Công giáo, Tin lành, cùng các đền thờ Hindu. Việc xây dựng Sultan Quaboo bắt đầu vào tháng 12 năm 1994, đồng thời phải mất sáu năm bảy tháng để hoàn thành.
Toạ lạc trên một khu đất 416.000m2 cùng khu phức hợp mở rộng để bao phủ một diện tích 40.000m2. Công trình làm bằng đá, với cửa ra vào, cửa sổ, đồ trang trí bằng gỗ và kính. Khoảng 300.000 tấn sa thạch Ấn Độ đã được nhập khẩu để xây dựng tòa nhà. Năm ngọn tháp ở xung quanh khuôn viên gồm: ngọn tháp chính cao 90m, bốn ngọn tháp hai bên cao 45,5m - là những hình ảnh đại diện quen thuộc của nhà thờ Hồi giáo từ bên ngoài. Bên cạnh đó, năm ngọn tháp này còn tượng trưng cho năm trụ cột của đạo Hồi là: tuyên xưng đức tin, cầu nguyện, bố thí, ăn chay, hành hương. Ngoài ra, điểm đặc biệt trong thiết kế nội thất của nhà thờ Sultan Quaboo là tấm thảm cầu nguyện trải trên sàn; với thời gian 4 năm để sản xuất, có sức nặng 21 tấn. Đồng thời nó còn là tập hợp các thiết kế truyền thống Tabriz, Kashan và Isfahan cổ điển của Ba Tư. Hai mươi tám gam màu với các sắc thái khác nhau đã được sử dụng, phần lớn thu được từ thuốc nhuộm thực vật. Đây từng là tấm thảm một mảnh lớn nhất thế giới, nhưng hiện chỉ xếp thứ hai, sau tấm thảm ở nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed-Abu Dhabi (thuộc đất nước các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Chiếc đèn chùm phía trên sảnh cầu nguyện cao 14m, nặng 8,5 tấn, bao gồm 600.000 viên pha lê, 1.122 bóng đèn Halogen hoàn chỉnh - sản xuất bởi công ty Faustig của Ý. Ba mươi bốn đèn chùm nhỏ hơn có cùng kiểu dáng được treo ở các phần khác trong nhà thờ.
Không giống như các nước láng giềng, thường dùng đến sự hoành tráng, thì phong cách kiến trúc của Oman gợi lại di sản của mình bằng cách loại bỏ các tòa chọc trời bằng kính để thay thế bằng các tòa thấp tầng, quét vôi trắng nhằm tôn vinh lịch sử của đất nước thông qua hệ thống lưới mắt cáo phức tạp, các bức tranh ghép cũng như các hình chạm khắc trang trí công phu hình hoa.