Nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung
Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao. Human Papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu. Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, chúng ta sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai. Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
- Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).
- Sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).
- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.
- Viêm cổ tử cung mãn tính.
- Suy giảm miễn dịch: trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.
- Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.