Người Hà Nhì xem bói gan lợn thiến
Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền Việt Nam. Người dân tộc Hà Nhì không có ngày ăn Tết cụ thể như những dân tộc khác, thay vào đó, những vị già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng. Những người đứng đầu sẽ phải căn cứ vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu, mùa màng cũng như điều kiện kinh tế của dân làng để lựa chọn một ngày cụ thể phù hợp đảm bảo được tất cả các điều kiện trên.
Người Hà Nhì có nhiều phong tục thú vị, thể hiện rõ nét những đặc trưng không thể trộn lẫn với những phong tục của những dân tộc khác. Ngoài tục xem bói gan lợn, người Hà Nhì còn phải chuẩn bị những chiếc bánh riêng để tiến hành cũng bái tổ tiên của nhà mình. Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới.
Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg. Khi mổ lợn ăn Tết lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.