Nghị luận về vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua "Chiếu dời đô" và "Hịch tướng sĩ" bài 9
Trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có biết bao nhiêu trang sử hào hùng, oanh liệt ghi lại những bước tiến, những cuộc khởi nghĩa lớn làm xoay chuyển vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Những xoay chuyển, thay đổi ấy đều được thực hiện bằng những con người sáng suốt, anh minh. Những con người ấy có phải chăng là những vị tướng giỏi, vua tài như Trần Quốc Tuấn, Lí Công Uẩn,...Tại sao tôi lại đề cập đến hai vị anh hùng dân tộc này? Vì qua hai áng văn chính luận "Chiếu dời đô", "Hịch tướng sĩ" đã làm rõ vai trò anh minh và tầm quan trọng của các vị ấy trong những lần thay đổi của đất nước.
Khi được tiếp xúc với hai bài viết giàu ý nghĩ của họ, ta hiểu thêm sự anh minh của các đấng minh quân đời nhà Trần, Lí. Thoạt tiên khi đến với vấn đề trên ta cần hiểu rõ thế nào là người lãnh đạo anh minh? Người này chắc hẳn phải là người sáng suốt có tầm nhìn xa trông rộng, có công đức lớn lao đối với đất nước, dân tộc. Không chỉ vậy học còn đóng góp công sức không hề nhỏ trong việc đem lại tự do, hạnh phúc, cuộc sống ấm no, yên bình cho nhân dân. Nếu đã là những người như vậy thì việc họ để lại tiếng tăm bất hủ cho đời sau hay để lại những bài học vô giá cho hậu thế sau này trong sự nghiệp lớn của dân tộc liệu có còn là điều đáng ngạc nhiên hay không?
Nhưng để làm được những công lao to lớn như vậy không phải là chuyện mà ai cũng có thể thực hiện vậy thì động lực nào mang lại cho họ ý nghĩ phải thực hiện những việc làm đó? Đó không phải là thứ gì khác mà là lòng yêu nước nồng nàn. Ta nhận ra điểm giống nhau thứ yếu của các bậc minh quân là tấm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh sống còn của non sông. Ở Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn, ta nhận ra những điểm trên đây qua những ý tứ, nội dung cúng như từ ngữ, câu từ mà hai vị đã dùng trong áng văn của họ. "Chiếu dời đô" của vua Lí Công Uẩn, ông đã thể hiện tình yêu của mình ở cách nhìn nhận vị trí kinh đô của đất nước. Sự anh minh của Lí Công Uẩn cũng được thể hiện ở đây, ông nhận thấy kinh đô không còn phù hợp với tình thế đất nước lúc bấy giờ nên đã quyết định tìm đến một kinh đô mới phù hợp hơn mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhân dân.
Tất cả những nhìn nhận trên của ông đều xuất phát từ lòng yêu nước, lo lắng cho cuộc sống của nhân dân và vận mệnh đất nước. Đối với " Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn ta dễ dàng nhận thấy hơn tình yêu nước của vị tướng được thể hiện qua những biểu hiện của chính Trần Quốc Tuấn khi đất nước lâm vào cảnh bị đô hộ: "Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" những từ ngữ trên cho thấy sự đau xót, thương tiếc cho sự mất mát của quốc gia. Nhưng tình yêu của ông không chỉ dừng lại ở đây lòng yêu đất nước của ông đã biến thành sự căm ghét, căm phẫn, sôi sục ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược: "chỉ căm tức chưa xả thịt lột da nuốt gan uống máu quân thù". Nhưng ông không phải là một người dân thường, ông là một vị tướng và ông có trách nhiệm giúp đất nước thoát khỏi cảnh đau thương. Ông đã viết bài hịch nhằm mục đích khích lệ ý thức trách nhiệm cũng như kêu gọi tình yêu quê hương đất nước trong các tướng sĩ của mình. Đó là cách ông thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.
Như ta đã thấy những việc họ đã làm đã mang lại cho đất nước những lợi ích không chỉ là tạm thời mà có ảnh hưởng to lớn đến tương lai của chúng ta. Vì vậy vai trò của những người anh minh sáng suốt như họ là vô cùng quan trọng, cần thiết trong lịch sử dân tộc ta. Như Lí Công Uẩn vị vua đầu tiên của triều đình nhà Lí là người tiêu biểu trong lịch sử dân tộc ta, sự anh minh của ông thể hiện rất rõ trong việc dời kinh đô nước ta từ Hoa Lư về thành Đại La. Như đã nói vào thời Lí nước ta trở thành một nước độc lập có chủ quyền, phát triển lớn mạnh về mọi mặt, nên việc tiếp tục để kinh đô ở Hoa Lư là điều vô lí. Hoa Lư là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở chỉ phù hợp với tình hình đất nước chưa phồn thịnh và lớn mạnh. Nếu phát triển đất nước thì sẽ gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt như: giao thông, kinh tế, thương mại, ngoại giao, ...Đối lập với Hoa Lư thành Đại La lại là nơi "Ở vào trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, đất đai rộng mà bằng cao mà thoáng..." Hơn thế nữa "dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật cũng hết mực phong phú tốt tươi". Chỉ mới nói đến thôi ta đã cảm nhận được cái ưu thế chỉ có một trên khắp đất nước của thành Đại La, nhà vua hướng tầm nhìn về nơi đây có thể nói là sự sáng suốt, anh minh đi thấu suốt lịch sử. Nhưng cũng thật khó khăn cho nhà vua khi việc chuyển dời kinh đô là chuyện trọng đại ảnh hưởng rất lớn đến đất nước sau này, ấy vậy mà bậc minh quân đã không ngần ngại với quyết định của mình và quyết định của ấy của ông đã điểm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Quả nhiên sau khi kinh đô được chuyển dời thì nước ta từ bấy đến nay đất nước đã phát triển đi lên. Và vai trò của vua Lí Công Uẩn được tôn vinh nhiều hơn trong năm vừa qua khi nhân dân cả nước đã long trọng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đánh dấu thời kì đã qua cũng như hứa hẹn một tương lai phồn thịnh hơn đang tới.
Với những ý nghĩa và vai trò của "Chiếu dời đô" thế hệ đi sau chúng ta thật tự hào về một ông vua sáng suốt, anh minh mang lại cho chúng ta sự tự hào về, cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay. Nhưng sự anh minh của một vị vua cũng không đủ đem lại độc lập tự do dân tộc mà phải nhờ đến những vị tướng tài như Trần Quốc Tuấn – Hưng Đạo vương đời nhà Trần, cùng với sự anh minh, sáng suốt của ông đã lãnh đạo nhân dân ba lần đánh tan quân Mông - Nguyên, làm xoay chuyển vận mệnh của cả một dân tộc. Trần Quốc Tuấn không chỉ anh minh trong đường lối đánh giặc mà ông còn là người mưu lược tài cao. Ông đã bày mưu kế đưa hai vị vua từ Thăng Long về Hoa Lư để bảo toàn lực lượng, vừa tranh sức mạnh mẽ của quân thù. Khi giặc sang ông tỏ thái độ rất căm tức: "Ngó thấy sứ giặc đi nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phu", ông dùng những từ ngữ, câu văn lên án gay gắt thái độ của giặc cũng như thể hiện nỗi căm giận của lòng ông. Ông lấy việc phải dùng nhạc thái thường để hầu giặc là điều vô cùng nhục nhã của bậc quân thần. Ông chỉ ra những điều làm cho lòng người sôi sục, tâm can nhục nhã khi không làm gì trước tình cảnh đất nước bị dày xéo, chà đạp.
Đây chính là sự sáng suốt anh minh của vị tướng tài: ông đã thức tỉnh tướng sĩ đang ngủ say trong cuộc vui trước mắt (chọi gà, đánh bạc, vợ con, lo làm giàu, vườn ruộng, uống rượu, mê hát), lo toan chuyện nước nhà. Ông thấy được việc trên dưới đồng lòng cùng đồng tâm chống giặc sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn, cho dù binh to búa lớn cũng không phá vỡ được tinh thần yêu nước sục sôi, lòng căm thù sâu sắc. Chỉ với cái nhìn đúng đắn ấy của ông mà nước Việt ta bao lần thắng giặc với thế lớn, binh nhiều. Lúc bấy giờ ông trở thành người có vai trò quan trọng hơn cả với đất nước, là người có trách nhiệm tập hợp lòng dân, nghĩa sĩ. Và để làm được điều ấy ông đã viết bài "Hịch tướng sĩ" mở đầu cho công cuộc xây dựng tinh thần cho tướng sĩ. Bài hịch đã trở thành áng văn bất hủ, là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc đoàn kết tôn thất, làm cho ý chí chống giặc của nhân dân, tướng sĩ lên đến đỉnh điểm. Cũng như vạch ra con đường đi đúng đắn cho đất nước theo đường lối sáng suốt của Trần Quốc Tuấn.
Qua những gì mà hai bậc hiền tài, anh minh của dân tộc đã làm cho đất nước thể hiện rõ ràng tầm quan trọng của họ trong những thời mốc điểm của đất nước. Ảnh hưởng to lớn của những vị ấy không chỉ trong lúc bấy giờ mà còn ảnh hưởng đến đời sau - chúng ta. Nếu không có những người lãnh đạo anh minh như thế thì liệu đất nước ta có còn tồn tại, nhân dân có được độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay?
Với riêng bản thân tôi cũng như nhiều người khác, lòng biết ơn đến những nhân vật anh minh như họ và tự hào bởi họ là những gì mà thế hệ sau như chúng ta luôn mong muốn được đền đáp ơn này. Những ngày kỉ niệm, những di tích lịch sử ghi lại dấu ấn của họ được chúng ta gìn giữ là điều thể hiện rõ nhất trong sự tôn kính, lòng biết ơn đối với những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn.
Kết quả của sự lãnh đạo anh minh của các vị tướng tài, vua giỏi Trần Quốc Tuấn và Lí Công Uẩn là cuộc sống tốt đẹp của nhân dân ta từ thời ấy đến bây giờ. Một lần nữa xin khẳng định lại tầm quan trọng của những vị ấy là vô cùng to lớn đối với giang sơn, đất nước ta. Những vị ấy đã cố gắng gìn giữ và gây dựng đất nước thì con cháu ta phải cùng nhau dựng nước vững mạnh hơn.