Nghị luận về vai trò của những người lãnh đạo anh minh qua "Chiếu dời đô" và "Hịch tướng sĩ" bài 6
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Để tạo nên trang sử hào hùng, đất nước ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay, đó là nhờ vào một phần công lao to lớn của các vị anh hùng như Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn. Họ là những người lãnh đạo anh minh suốt đời vì vận mệnh của đất nước. Thông qua hai văn bản “Chiếu dời đô” và “Hịch tướng sĩ”, chúng ta sẽ thấy rõ những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn với vận mệnh đất nước.
“Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn là sự bày tỏ ý định từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) khi ông mới được triều đình tôn lên làm hoàng đế. Sau đó, ông đổi tên kinh đô thành Thăng Long. Đấy là năm thuận thiên thứ nhất – năm khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của nhà Lí – một triều đại có ý nghĩa hết sức quan trọng đưa văn hiến của nước nhà lên tầm cao. Phần mở đầu “Chiếu dời đô”, tuy là một bậc đế vương, là “thiên tử” nghĩa là có quyền thay trời quyết định mọi chuyện nhân gian, vậy mà vua Lý Thái Tổ vẫn viết những câu văn đặc biệt nhấn mạnh đến “ý dân”: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”. Trước hết, ông giải thích tại sao lại dời đô. Và bằng lập luận ngắn gọn nhưng sắc sảo, cùng với dẫn chứng thiết thực, nhà vua đã khẳng định: việc dời đô không phải là hành động, là ý muốn nhất thời của một người. Nó là biểu hiện cho xu thế tất yếu của lịch sử. Nhà vua đã chọn thành Đại La. Nơi đây không phải là Hoa Lư chật hẹp, mà là một nơi “trung tâm của trời đất”, nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi”, là nơi “đúng ngôi nam bắc đông tây" lại “nhìn sông dựa núi”, là nơi “rộng mà bàng, đất đai cao mà thoáng”.
Ở nơi đây, nhân dân không phải sống chốn núi rừng hiểm trở, khắc nghiệt, đất nước có cơ hội phát triển kinh tế. Một nơi thuận lợi về tất cả mọi mặt, nhân dân được ấm no, thanh bình, như vậy, việc dời đô đã hợp với thiên thời địa lợi nhân hòa. Một vị vua với tầm nhìn sâu rộng có thể chỉ ra được những ưu thế đặc biệt của thành Đại La, ông hẳn là một người thông hiểu phong thủy, lịch sử, địa lý và còn có những suy tính lâu dài về chính trị. Hơn nữa, trong một chiếu thư trên dưới 200 chữ, nhà lãnh đạo này đã ba lần nhắc đến “dân” và “bách tính”, cho thấy quyết định dời đô của ông không xuất phát từ mục đích phòng ngự, mà xuất phát từ ý muốn cho “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt" đời sống của vua quan và toàn dân cũng khởi sắc vì "muôn vật cũng phong phú tốt tươi”, lấy lợi ích của trăm họ làm nền tảng quốc gia. Dời đô ra Thăng Long là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc đại Việt. Kinh đô Thăng Long là cái nôi lập đế nghiệp cho muôn đời là nơi để cho sơn hà xã tắc được bền vững muôn đời.
Đọc văn bản “Chiếu dời đô” ta cảm nhận Lý Công Uẩn không những là một vị vua có tài mà còn có đức, ông xứng đáng là vị vua anh minh bậc tiên đế muôn đời. Quyết định dời đô của ông là rất sáng suốt bởi vì kinh đô Đại La đã vững mạnh suốt 200 năm, có nghĩa là nhân dân thái bình, no ấm trong suốt thời gian đó. Thành Đại La chính là thủ đô Hà Nội ngày nay, là linh hồn của Việt Nam. Thể chế chính trị cũng được phân cấp quản lí rõ ràng, dựa vào luật pháp nhiều hơn là sự chuyên quyền độc đoán của một cá nhân. Công lao dời đô và xây dựng đất nước của Lý Thái Tổ thực sự lớn lao, lưu danh muôn thuở với non sông nước Việt.
Thời kì nhân dân Đại Việt phải đương đầu với quân Nguyên – Mông hung hãn, vị nguyên soái Trần Quốc Tuấn tức Hưng Đạo Vương đã ba lần cầm quân đánh bại quân xâm lược. Cái tâm và cái tài của một vị tướng, một người con yêu nước, trung với vua được thể hiện rõ nét trong áng văn bất hủ “Hịch tướng sĩ”. Trước năm 1285, ông đã viết bài Hịch này với mục đích kêu gọi tướng sĩ học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ để chuẩn bị đánh quân xâm lược. Những lời lẽ đanh thép mà chan chứa tình cảm, những lí lẽ sắc bén mà đi vào lòng người đã chỉ ra cho tướng sĩ thấy tội ác của bọn sứ giặc và những việc cần làm để chống giặc. Trần Quốc Tuấn thể hiện tài năng của mình thông qua việc nhìn ra bộ mặt của quân giặc, đồng thời nhìn ra được thế của quân ta. Tác giả ngứa mắt khi thấy “sứ giặc đi lại nghênh ngang”, ngứa tai khi chúng “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình”. Tác giả rất khinh bỉ, đã “vật hóa” chúng, gọi là “dê chó”, là “hổ đói”. Ông mượn những tấm gương bậc nghĩa sĩ trung thần đã xả thân vì đất nước, vì nhân dân để khích lệ lòng tự trọng ở các tướng sĩ. Ông cũng biết lấy những suy nghĩ, việc làm của mình để khơi dậy lòng yêu nước của họ. Viết cho tướng sĩ, cũng như để bày tỏ nỗi lòng của mình, Trần Quốc Tuấn không khỏi băn khoăn lo lắng, ông “thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”.
Không chỉ căm thù giặc mà Trần Quốc Tuấn còn nguyện hi sinh thân mình cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc: “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.” Ông quyết liệt phê phán những việc làm thái độ sai trái của tướng sĩ: thờ ơ, bàng quan trước vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, quên mất trách nhiệm của mình đối với vận mệnh tổ quốc. Sau khi vẽ ra cái tiền đồ tối tăm của các tướng sĩ bê tha sau khi thua trận, mất nước, tác giả đã khuyên nhủ hết lời các tướng sĩ hãy tìm ra con đường chân chính mà tiến bước: học tập binh thư yếu lược để cứu nước. Lời tâm sự của Trần Quốc Tuấn với các tướng sĩ thật chân thành khiến các tướng sĩ một lòng khâm phục vị tướng tài vì xã tắc mà dám hi sinh, dám chiến đấu. Lịch sử đã chứng minh điều mà Trần Quốc Tuấn đã nói. Cùng với sự đồng lòng toàn dân toàn quân, Việt Nam đã giành thắng lợi trước kẻ thù hùng mạnh nhất thời kì đó. Trong đó vai trò lãnh đạo của người lãnh đạo đóng vai trò quyết định, ông được nhân dân Việt Nam tôn thờ gọi là Đức Thánh Trần.
Hơn một ngàn năm qua, lịch sử nước Việt đã trải qua bao sóng gió thăng trầm, nhưng công lao của Lý Thái Tổ và Trần Hưng Đạo mãi mãi là những vết son không phai trong văn học và lịch sử việt Nam. Qua hai áng văn “Chiếu dời đô” và “Hịch tướng sĩ”, chúng ta càng hiểu rõ hơn vai trò của người lãnh đạo anh minh có ý nghĩa vô cùng to lớn trong trường kì phát triển của dân tộc và thời nào cũng vậy dân tộc Việt Nam. Họ là tấm gương sáng ngời để đời sau soi vào đó mà học tập. Chúng ta hãy tiếp nối hào khí ngút trời của cha ông ta cùng xây dựng lên một Việt Nam giàu mạnh phồn thịnh, hòa nhập vào sự phát triển của thế giới nhé!