Nghị luận về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong truyện "Tấm Cám" số 12
Khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường ru tôi ngủ bằng những câu chuyện cổ tích, nơi có anh nông dân nghèo hô “Khắc xuất, khắc nhập” để trừng phạt lão phú hộ độc ác, có chàng Thạch Sanh hiền lành trước gã Lý Thông mưu mô, có người em nhân hậu trồng cây khế được trả vàng... Lớn lên, tôi mới hiểu chúng còn dạy cho tôi nhiều điều về cuộc sống. Đặc biệt, Tấm Cám với tôi không còn chỉ là câu chuyện về cô Tấm bị mẹ con Cám hãm hại, mà nó còn giúp tôi hiểu hơn về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.
Truyện kể về nhân vật chính là cô Tấm và Cám. Tấm hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ nhưng bố mất sớm nên phải ở với dì ghẻ và con của bà ta tên là Cám. Tấm luôn bị mẹ con Cám đối xử tàn nhẫn, bất công, phải làm hết mọi công việc. Một lần Tấm và Cám đi bắt tép, ai được nhiều sẽ thưởng, Tấm chăm chỉ bắt nên được giỏ được đầy còn Cám rong chơi nên giỏ trống không, sau đấy thấy vậy Cám lừa Tấm và trút hết giỏ tôm tép vào giỏ của mình. Tấm chỉ còn mỗi con cá bống và ngồi khóc nức nở, sau đó được bụt hiện lên giúp đỡ. Nhờ sự giúp đỡ của Bụt mà Tấm có người bạn để tâm sự là cá bống, có quần áo mặc đi chơi hội, được bầy chim sẽ giúp đỡ. Ít lâu sau, nhà vua mở hội, xem ai đi vừa chiếc hài tìm thấy ở khúc sông hôm hội làng sẽ được làm hoàng hậu, và Tấm đi vừa vì đó chính là đôi hài nàng đánh rơi. Thấy vậy, mẹ con Cám ghen tị, nên nhân một lần Tấm về giỗ cha đã chặt cây cau khi Tấm đang trèo lên hái và hại chết Tấm. Sau lần ấy, Cám vào cung tiến vua thay Tấm, còn cô Tấm bị biến thành con chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, và cuối cùng là trong quả thị để trở thành con gái của bà cụ. Đến cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn cô Tấm được trở lại làm người và quay trở về sống hạnh phúc bên vua. Mẹ con Cám chết.
Tuy rằng cái kết đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng đó là những trang văn gửi gắm mơ ước của nhân dân ta về sự chiến thắng mãnh liệt và bất diệt của cái thiện trước cái xấu. Đồng thời thấy được niềm khát khao, mong ước của nhân dân ta về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân lao động hiền lành, chất phác và lương thiện. Người xưa đã xây dựng cô Tấm như một hình mẫu của người con gái nết na, người lao động hiền lành. Thiện là những hành động, những suy nghĩ có tính tích cực, giúp ích cho người khác một cách chính đáng. Ngược lại, cái ác sẽ làm hại người khác, sẽ vì lợi ích của mình mà hãm hại người vô tội, mà điển hình chính là mẹ con Tấm. Rõ ràng, mâu thuẫn xã hội đã được hình thành từ lâu. Từ khi con người có trí tuệ, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Cái xấu và cái tốt hiện hữu trong mỗi chúng ta, nhưng người tốt sẽ luôn khai trừ và loại bỏ những tư tưởng độc ác, sẽ luôn cố gắng hướng thiện.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta lạc lối, ví dụ như sức hút của đồng tiền, của quyền lực... Hoặc cũng có thể là vì hoàn cảnh gia đình từ khi sinh ra, người ta không được giáo dục đầy đủ, dẫn đến sự sa ngã trong tâm hồn. Nhưng trên tất cả, đó là vì lòng người yếu đuối, dễ bị khuất phục trước những ảo vọng, những thứ quý giá không phải là của mình trong cuộc đời này. Để có được những gì mình muốn, người ta không chỉ hãm hại những người không quen biết, mà còn mưu mô với cả gia đình của mình. Đã có biết bao nhiêu người vì tài sản của cha mẹ mà giành giật nhau, đánh nhau, thậm chí là giết nhau để được thừa kế. Những vụ án đau lòng cứ thế diễn ra, bởi con người không thể ngăn cho lòng tham của mình sinh sôi, ngăn cho mầm mống độc ác cứ thế mà đâm sâu vào tính cách.
Để cái thiện có thể chiến thắng, trước hết mỗi chúng ta phải đấu tranh với phần ác của chính mình. Sau đó, ta mới có thể đấu tranh với các ác ngoài đời sống. Không phải lúc nào ta sống tốt thì cũng sẽ được yên ổn, cái ác đôi khi có thể mạnh dần lên, những lúc ấy ta phải đấu tranh, phải cho người khác biết rằng, ta sẽ không bị khuất phục. Câu chuyện Tấm đổ nước sôi giết Cám, làm lẩu gửi cho mẹ kế là một phiên bản gây nhiều bức xúc cho mọi người; nhưng nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, ta có thể hiểu rằng đó là tiếng nói phản kháng của những con người lương thiện bị chèn ép đến mức không thể chịu đựng được nữa. Bởi Tấm không muốn mình phải liên tục hồi sinh như vậy, Tấm muốn mình được sống, sống thật hạnh phúc.
Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn là một cuộc đấu tranh nhiều khó khăn, bởi không phải lúc nào cứ ở hiền cũng sẽ gặp lành. Những kẻ mưu mô, chà đạp lên người khác mà sống hóa ra đôi khi lại vẫn sống tốt, thậm chí họ không ý thức được rằng những thành công của họ chính là bởi giẫm đạp người khác mà đi lên. Bởi những điều như thế, dần dần người ta chẳng còn muốn sống thiện nữa, bởi người tốt chẳng hiểu sao cuối cùng lại thua thiệt, lại sống thật khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất không phải ở đó, tuy rằng cái tốt không phải lúc nào cũng chiến thắng, nhưng chúng ta sẽ sống thanh thản, mà sống thật thanh thản có nghĩa là cuộc sống của chúng ta đã rất ý nghĩa rồi. Cái ác là cái lạc lối, là lúc nào cũng sẽ đứng trước khả năng bị trừng phạt.
Đôi khi, ranh giới thiện ác chỉ cách nhau một khoảng cách nhỏ. Mỗi chúng ta hãy sống làm sao cho bản thân không phải hối hận, để biết rằng mình đã sống thật lương thiện, sống một cuộc đời thật đáng sống. Truyện cổ tích Tấm Cám đã dạy cho tôi bài học như thế, bài học về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.