Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 5
Không phải ai cũng có thể làm điều vĩ đại nhưng mỗi người đều có thể làm việc nhỏ với tình yêu vĩ đại. Bởi "sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì đều là sự bất lương" (Nam Cao)
Nam Cao trên chặng đường sáng tác của mình luôn trăn trở với nghề, với thiên chức của người làm nghề. Với ông, viết văn không chỉ đơn giản là chỉ viết mà phải viết về cuộc sống, nhân dân mình và viết để thể hiện chính mình. Khái quát lên, không chỉ trong nghề viết, ông đã để nhân vật phát biểu: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì đều là sự bất lương". "Cẩu thả" được hiểu là thái độ vô trách nhiệm, không hết lòng, cố gắng vì công việc của mình. Đó chính là sự "bất lương" - không có lương tâm, một việc không thể chấp nhận được. Cách nói: "bất cứ nghề gì... đều là..." là sự khẳng định rất nghiêm túc đối với những hành động, những người không có thái độ đúng với nghề, việc mình đang làm. Và câu nói đúng với mọi người, mọi nghề và mọi thời đại.
Trong cuộc sống đầy bộn bề và phức tạp, chúng ta bị cuốn vào bánh xe thời gian, với muôn vàn thứ công việc. Với trẻ em là việc học, việc ăn, việc nói, việc nghe lời bố mẹ. Với người lớn là việc đi làm, việc sinh hoạt, việc giao lưu. Đó đều là những công việc mà ta buộc phải làm, được giao hay đồng ý làm. Nhưng khi thực hiện, một số người rất nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm nhưng một số người lại rất cẩu thả. Học chống đối, làm qua loa, thực hiện đối phó. Hoặc hứng lên thì làm, không thì lại bỏ dở. Tình trạng ấy không chỉ ở một vài người mà còn là con sâu mọt có thể thấy không ít trong những dự án này. Tình trạng những công trình khởi công hai ba năm lại nằm dang dở vì thiếu vốn, chủ thầu bỏ trốn hay việc trồng rừng gây cây cho có làm, tình trạng đạo văn ngày càng nhiều,... Nếu nói theo Giản Tư Trung, mỗi chúng ta trong cuộc sống đều phải học làm người - một nghề thiêng liêng và cao đẹp thì cũng có không ít người đang làm cẩu thả. Ta sống qua loa, ta yêu hời hợt, ta lạnh lùng trước cái đẹp và thơ ơ trước những điều xấu xa. Đó không gọi là sống mà chỉ đơn giản là họ đang thở. Họ đã chết từ tuổi đôi mươi nhưng hàng chục năm sau mới được mang đi chôn.
Tất cả những thái độ "câu thả" đó đều là sự bất lương. Một học sinh cẩu thả trong việc học không chỉ làm hỏng tương lai mình mà còn không giúp ích, thậm chí gây hại cho đất nước. Đó là bất lương. Một bác sĩ cẩu thả trong nghề y làm mấy đi bao cơ hội sống và hạnh phúc của bệnh nhân. Đó là bất lương. Một giáo viên cẩu thả trong nghề giáo làm chết bao mầm xanh mới lớn. Đó là bất lương. Một lãnh đạo cẩu thả trong việc quản lí dẫn đến cả tập thể, xã hội không phát triển được. Đó là bất lương. Sự cẩu thả ở người nhỏ tạo ra hậu quả nhỏ và cứ lớn dần đối cùng công việc của con người. Đáng tiếc thay, có những người đang cẩu thả trong nghề sống mà làm hoài phí tuổi trẻ, đánh mất thanh xuân và lỡ mất hạnh phúc của cuộc đời mình.
Sự cẩu thả, ban đầu chỉ là một chút lơ đãng, một chút cảm tính, một chút buông thả nhưng khi chúng hợp lại với nhau lại tạo ra một thói quen xấu. Và gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận. Hơn nữa, một phần là môi trường giáo dục, việc làm chưa tốt dễ để cho những mầm đen của tính xấu đến con người. Rồi từ môt con sâu có thể "làm rầu nồi canh", môt xã hội không trật tự và không ý thức .
Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần trong đời. Không có cơ hội thứ hai cho những việc đã xảy ra. Tôi thường được nghe: không có bông tuyết nào rời sai chỗ, không có hạt mưa nào rời sai vị trí của nó. Mọi thứ đều đúng lúc và đúng chỗ. Vì thế, những công việc bạn đang làm, chắc chắc được sắp đặt bởi một lý do nào đó. Đừng nghĩ bạn "phải" làm mà hãy nghĩ bạn "được " làm. Đừng tỏ thái độ thờ ơ mà hãy làm nó bằng cả nhiệt huyết của mình. Và bạn sẽ được nhận lại. Bởi không phải ai cũng có thể làm điều lớn lao nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống mình trở nên ý nghĩa.