Nghi lễ: Lễ lại mặt
Lễ lại mặt là buổi lễ diễn ra sau khi tổ chức đám cưới. Trong lễ này, hai vợ chồng sẽ đem lễ vật về gia đình nhà gái để cúng gia tiên cũng như thăm hỏi bố mẹ vợ. Lễ lại mặt có thể tổ chức sau hôn lễ từ 1 - 3 ngày. Ngày xưa, khi lễ lại mặt được làm ngay sau ngày cưới, người ta sẽ gọi nó là Nhị Hỷ. Nếu tổ chức 3 ngày sau hôn lễ, lễ lại mặt còn được gọi là Tứ Hỷ. Nếu thời gian không cho phép, lễ lại mặt có thể được dời lại nếu cả cô dâu chú rể lẫn bố mẹ vợ đều đồng ý. Tránh việc dời ngày ra quá xa.
Ngày xưa, lễ lại mặt được tổ chức rất rình rang. Chú rể sẽ cần chuẩn bị trầu cau, rượu, thịt, xôi, gà để cúng gia tiên. Các lễ vật thường sẽ được chuẩn bị bởi gia đình nhà trai như một cách thể hiện tình cảm và sự tôn trọng với nhà gái. Trong khi đó, nhà gái sẽ chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn để mời hai vợ chồng mới cưới.
Qua thời gian, lễ lại mặt dần có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với thời đại. Ngày nay, các nàng dâu không còn phải chịu cảnh “con dâu mới thật mẹ cha mua về” nên hầu hết họ đều có thể về thăm gia đình bất cứ khi nào. Lễ lại mặt vì thế dần trở nên đơn giản hơn và chủ yếu nằm ở “tấm lòng” của nhà trai lẫn nhà gái. Gia đình nhà trai hoàn toàn có thể mua quà bánh đơn giản và bữa cơm của nhà gái cũng có thể là một bữa ăn thân tình đầy ấm áp. Điều đặc biệt quan trọng giờ đây là nhà gái có dịp để chào đón thành viên mới của gia đình và cô dâu chú rể có cơ hội thể hiện tình thương với hai đấng sinh thành.