Nghề lính cứu hỏa
Chiến đấu với lửa và cứu các nạn nhân khỏi một tòa nhà đang cháy có lẽ chính là hình tượng mà ai cũng nghĩ đến khi nhắc đến người lính cứu hỏa. Ở đâu có cháy, ở đó có lính cứu hỏa, chỉ cần gọi và trong tích tắc họ sẽ có mặt dù bất cứ nơi đâu. Nguy hiểm ư? Họ không màng điều đó,... và họ làm tất cả cho đến khi đám cháy bị dập tắt và cứu được những người gặp nạn. Và đó cũng là lý do vì sao, lính cứu hỏa được xem là những người anh hùng trong thời bình.
Nói về nghề chữa cháy, các cán bộ chiến sĩ chữa cháy thường nói vui: Đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi lưỡi lửa, còn mình thì chạy vô, "giáp lá cà" với "giặc lửa" để cứu người, cứu tài sản. Làm nghề lính cứu hỏa nghĩa là cứ có cháy là phải chạy. Việc lên ca trực 24/24 là điều thường xuyên xảy ra. Bởi một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể… hoạt động hết công suất! Cuộc sống, công việc của các anh đối diện với hiểm nguy hàng ngày.
Là con người ai mà chẳng có những nỗi sợ, với những người lính cứu hỏa, họ sợ nỗi đau của sự chết chóc. Cái chết ấy có thể không đến với họ nhưng rất có thể là đồng đội, những nạn nhân xa lạ họ chưa từng quen biết.
Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ, những người lính cứu hỏa cũng vậy. Nhưng nỗi sợ của họ không chỉ là sự mất mát của cá nhân, nỗi đau của thể xác, nỗi sợ của họ còn bao gồm cả sự mất mát, đau thương của những nạn nhân trong thảm họa. Họ là những người anh hùng thầm lặng giữa thời bình, hy sinh cả tuổi trẻ thênh thang để gìn giữa sự an toàn cho xã hội, cộng đồng.