Nghề giáo viên
Toplist tin rằng, đại đa số những ai đang làm trong ngành giáo dục cũng sẽ đồng tình với nhận định này: Nghề giáo là một trong những nghề nguy hiểm nhất hiện nay. Đó phải chăng quá nghịch lý khi mà nghề giáo luôn được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề, vậy lý do là gì mà lại xếp nghề giáo là một trong những nghề nguy hiểm nhất?
Qua các sự việc gây xôn xao dư luận về nghề giáo trong thời gian vừa qua, trong đó có các vụ bạo hành xâm phạm thân thể, nhân phẩm giáo viên như vụ phụ huynh dùng lời nói ép cô giáo trẻ phải quỳ gối ở Long An; vụ phụ huynh xông vào trường ép cô giáo quỳ xin lỗi và hành hung cô giáo đang mang thai dẫn đến dọa sẩy thai ở Nghệ An,... Đó thật sự là một bức tranh đầy đắng cay, tủi nhục và chua xót cho nghề giáo.
Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh và có cả vụ các giáo viên dùng các hình phạt “kinh khủng” đối với học sinh như “phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng”, “giáo viên bắt học sinh liếm bàn”, “giáo viên phạt học sinh ăn ớt”, hay các bảo mẫu hành hạ tàn nhẫn đối với các trẻ em… Các hành động trên đã xảy ra đã để lại nhiều tiếng “xấu” cho ngành giáo dục, các giáo viên trên đã bị xử lý thích đáng. Có người bị cho thôi việc, có người bị khởi tố để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của bức tranh giáo dục, vẫn còn rất nhiều các giáo viên luôn tâm huyết với nghề, ngày đêm miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị cho các tiết học, là người cầm lái con đò tri thức đưa tất cả tất cả học sinh về bến đỗ an toàn. Nhưng trong việc giảng dạy và giáo dục, đôi khi vì tình yêu thương học sinh vì mong muốn học sinh tiến bộ, mong học sinh trở thành người tốt nên có khi người giáo viên đã dùng lời nói hay thước kẻ đánh nhẹ để dạy dỗ học sinh. Thế nhưng, phụ huynh lại không nhận ra điều đó và chính sự yêu thương, bao che quá đáng từ phía phụ huynh đã dẫn đến những lần phụ huynh bạo hành giáo viên ngay trên bục giảng hay trên đường tới trường. Chính vì thế, giáo viên ngày nay khi đi đến lớp không chỉ mang theo cặp giáo án mà còn có cả tâm trạng nơm nớp lo sợ.
Đó là chưa kể đến những áp lực “khủng khiếp” về thành tích mà lãnh đạo áp đặt, giáo viên không còn cách nào khác phải “chạy đua” theo những điều giả tạo, ảo tưởng, phi lý về những con số “trên trời” như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%,…. Và còn rất rất nhiều những nỗi lo, áp lực khác nữa.
Mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi nghề có những áp lực, khó khăn riêng nhưng nếu thiếu tình yêu với nghề, thiếu kĩ năng sư phạm, thiếu sự đồng thuận giữa gia đình - nhà trường - xã hội thì nghề dạy học có còn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý? Và đến khi nào những áp lực trong nghề dạy học mới được gỡ bỏ thì người dạy học mới đúng là những kĩ sư tâm hồn, người giáo viên nhân dân!