Ngày mùa
Đã hơn nửa thế kỷ từ khi bài hát “Ngày mùa” ra đời. Mỗi khi nghe lại, lòng ta vẫn nao nao nhớ về vùng quê nơi ta sinh ra, lớn lên, cất giấu tuổi thơ êm đềm. Ở nông thôn Việt Nam, những ngày mùa gặt hái với những bông lúa vàng trĩu hạt được người nông dân quẩy từ cánh đồng về nhà, mang nặng nghĩa tình của người dân quê một nắng hai sương; là cảnh sắc tiêu biểu nhất. Bởi đó là biểu tượng của ấm no, hạnh phúc của họ. Cảm nhận điều đó, nhạc sĩ Văn Cao đã viết “Ngày mùa”. Tác phẩm này trở thành một trong những bài hát hay nhất trong số những bài hát viết về nông thôn Việt Nam.
“Ngày mùa” đã mở đầu bằng những lời lẽ bình dị diễn tả một vùng khá bình yên: “Ngày mùa vui thôn trang, cũng như trên cánh đồng. Lúa không lo giặc về, khi mùa vàng thôn quê. Ngày vui trong thôn xóm, đầy đồng giáo với gươm”. Đường nét âm nhạc thì bình ổn, phẳng lặng nhưng những từ “giặc” và “giáo, gươm” đã cho ta thấy bối cảnh mà bài hát đề cập. Có lẽ “giáo với gươm” ở đây là những vũ khí thô sơ được người nông dân mang theo để tự vệ, đề phòng có bất trắc khi “giặc về”, trong đó là một vùng tự do không thuộc quyền kiểm soát của địch. Công việc đồng áng của nhà nông luôn nặng nhọc, vất vả nhưng hơn ai hết, người nông dân luôn mang trong mình những đặc điểm tiêu biểu nhất của người Việt Nam. Một trong những nét tính cách đó là trong sáng, lạc quan. Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng vẫn vui, không bao giờ bi quan, tuyệt vọng.