Ngành trí tuệ nhân tạo (AI)
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là một trong những công nghệ quan trọng hàng đầu, giúp con người giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người. Nhìn chung, đây là một ngành học rất rộng, bao gồm các yếu tố tâm lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật. Một số ví dụ phổ biến về AI có thể kể đến ô tô tự lái, phần mềm dịch thuật tự động, trợ lý ảo trên điện thoại hay đối thủ ảo khi chơi trò chơi trên điện thoại.
Với tiềm năng như hiện tại của ngành trí tuệ nhân tạo thì yêu cầu nhân lực là rất lớn dù là ở Việt Nam hay quốc tế. Dù những nghiên cứu về AI đã đến Việt Nam từ hơn 5-7 năm trước nhưng đến nay nhân lực cho ngành là vẫn chưa đủ đáp ứng. Đánh giá của Google Brain cũng chỉ ra, nhu cầu nhân lực phục vụ trí tuệ nhân tạo là một triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng được. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ cao trong năm 2022 trên tổng nhu cầu 350.000 nhân lực toàn thị trường. Hiện nay, nhu cầu về nhân sự cho ngành trí tuệ nhân tạo là rất cao nhưng vẫn chưa được đáp ứng đủ. Theo ông Trần Trung Hiếu, Founder – CEO nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV, nguồn cung nhân sự AI tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như vận tải, sản xuất, y tế, giáo dục, truyền thông, các ngành dịch vụ,… Chính vì vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất đa dạng. Các bạn có thể sẽ đảm nhận những vị trí như kỹ sư phát triển ứng dụng AI, kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, robot, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Kỹ sư dữ liệu, phân tích kinh doanh tại các công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp, viện nghiên cứu, công ty viễn thông. Doanh nghiệp sản xuất, kỹ sư phần mềm tham gia vào quá trình thiết kế và phát triển tổng thể các chương trình hoặc hệ thống kỹ thuật số.
Trong phạm vi của AI, kỹ sư phần mềm chịu trách nhiệm phát triển chức năng kỹ thuật của các sản phẩm sử dụng machine learning (học máy) để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều ứng dụng tiêu dùng phổ biến nhất của AI hiện nay xoay quanh ngôn ngữ. Từ chatbots đến trợ lý ảo đến tiên đoán văn bản trên điện thoại thông minh, các công cụ AI đã được sử dụng để tái tạo giọng nói của con người ở nhiều định dạng khác nhau.