Ngành công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới
Công nghệ vật liệu mới là ngành nghiên cứu và triển khai các phương pháp chế tạo, xử lý vật liệu nhằm mục đích thu được vật liệu mới bền hơn, nhẹ hơn, có đặc tính ưu việt hơn, hấp dẫn và tiện dụng hơn trước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người.
Ngành công nghệ vật liệu trang bị những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học để sinh viên hiểu biết nền tảng chung các nhóm vật liệu chính như kim loại, vật liệu Silicat, vật liệu Polyme, vật liệu năng lượng và các vật liệu tiên tiến như vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, vật liệu Y sinh. Từ đó có thể nắm bắt được mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất của vật liệu. Đây là nền tảng khoa học mà người kỹ sư kỹ thuật vật liệu cần có. Để người kỹ sư kỹ thuật vật liệu có đủ năng lực đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất thực tế, một khối lượng lớn kiến thức kỹ thuật chuyên ngành của 4 lĩnh vực gồm: vật liệu kim loại, vật liệu Silicat, vật liệu Polyme, vật liệu điện tử bắt đầu được cung cấp vào học kỳ 3 của chương trình đào tạo. Đó là các môn học công nghệ, các bài thí nghiệm, đồ án môn học, thực tập kỹ thuật, thực tập tốt nghiệp và luận văn, đồ án tốt nghiệp. Kỹ thuật vật liệu không phải là một ngành học mới nhưng luôn thu hút rất nhiều thí sinh lựa chọn tại các trường đại học, bởi nhu cầu nhân lực ngành này tại các công ty, doanh nghiệp vô cùng lớn. Tốt nghiệp ngành công nghệ vật liệu, người học có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc như: Kỹ sư thiết kế, nghiên cứu, vận hành trong các công ty, tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật vật liệu, vật liệu điện - điện tử... Giảng viên tại các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và viện nghiên cứu có liên quan đến vật liệu. Quản lý giám sát, kiểm soát chất lượng vật liệu và thi công các dự án xây dựng trong các công ty sản xuất các cấu kiện, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất.