Ngân hàng muốn tăng quyền xử lý nợ xấu (25/11/2021)
"Ngoài đề xuất có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không cần thỏa thuận, các ngân hàng còn muốn có quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tài sản đảm bảo." Đây là nội dung được bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại hội thảo Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017.
Cụ thể, lãnh đạo Vụ pháp chế NHNN cho biết sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, VAMC, góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 có tính chất thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, và đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết đang thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của nhà băng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách như tại Nghị quyết 42.
NHNN đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42. Trong đó, NHNN đưa ra 2 phương án để tiếp tục các quy định về xử lý nợ xấu cho hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, một là đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó duy trì các quy định còn phù hợp của Nghị quyết 42 và sửa đổi, bổ sung một số quy định thực tiễn triển khai gặp khó khăn, vướng mắc. Phương án hai là tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 thêm 3 năm.