Não nhện có cả ở dưới chân
Não nhện tương đối lớn so với các phần còn lại của cơ thể, não của chúng không chỉ ở trên đầu mà còn lan xuống cả chân. Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (Panama, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng, hệ thống thần kinh trung ương của những con nhện nhỏ nhất thế giới chiếm tới gần 80% khoang cơ thể của chúng. Trong khi đó, não người chỉ chiếm 2 - 3% trọng lượng cơ thể mà thôi.
Tất cả các loài nhện đều có khả năng làm màng nhện, một thứ sợi mỏng nhưng bền như tơ bằng chất đạm, tiết ra từ phần sau cùng của bụng. Màng nhện được dùng làm nhiều việc như tạo dây để leo trèo trên vách, làm tổ trong hốc đá, tạo nơi giữ và gói mồi, giữ trứng và giữ tinh trùng. Nhiều loài nhện dùng tính chất dính của màng nhện để bẫy mồi, trong khi một số loài khác săn mồi bằng cách rình, và tấn công phục kích.
Ngoài 150 loài nhện thuộc họ Uloboridae, Holarchaeidae và Mesothelae, tất cả các loài khác đều có khả năng tiêm nọc độc khi cắn - hoặc do tự vệ hoặc để giết mồi. Tuy nhiên, chỉ có 200 loài có nọc độc gây hại cho con người[1]. Nhiều loài nhện to, cắn đau nhưng không làm độc hay tử vong.
Nhện có bốn cặp chân hai bên phần đầu ngực. Trên mình và chân có lông lưa thưa để cảm giác sự rung động, âm thanh và mùi hương. Mỗi bên miệng có hai ngàm dùng để kẹp mồi và bám vào bạn tình khi giao hợp. Nhện không nhai mà chỉ thò ống hút vào mồi để hút chất lỏng ra.