Mùa về thương đâu yêu xưa…

Khi những vạt nhãn bên kia sông quả chỉ còn lác đác, thời gian quãng ngày từ từ co lại là lúc mùa thu đã chín. Thu như một thiếu nữ dần bớt mộng mơ, vẻ đẹp mong manh đằm xuống, để lắng sâu nhất vào lúc giữa rằm tháng Tám.


Dẫu đã xa tuổi thơ mấy chục năm, dấu yêu dại khờ chỉ còn nương náu ở kí ức, tôi vẫn muốn dành để nhớ về Trung thu, về mùi hương dẻ thơm nức ùa tới khẽ khàng mỗi khi gió từ nơi nào xa lắm thoảng qua mảng hồn mình đang chênh chao giữa cuộc sống bộn bề. Hình như con người ta càng chạm tuổi thu, càng hay hoài niệm. Quá khứ cứ rong ruổi phía sau ta nhắc nhớ về ngày thu xa lắc…


Bố tôi bảo rằm Trung thu là rằm trẻ con, qua tháng ngâu một quãng nỗi buồn chia xa của Chức Nữ - Ngưu Lang cũng nguôi ngoai để lại giữa bầu trời thu một dòng ngân hà trong vắt - bầu sữa dành cho con trẻ. Nền trời leo lẻo như đôi mắt bé thơ hồn nhiên, tinh khôi trước vạn vật trên đời. Có lẽ vì vậy mà mỗi rằm tháng Tám sự quan tâm chăm chút yêu thương được dành hết cho con trẻ.


Nhìn thấy quả hồng trong vườn của bố tôi thắp đèn lồng đỏ rực trên cành cây trơ trụi lá, buồng chuối tiêu sau nhà lốm đốm vàng, trái bòng rám nắng đu đưa trên cành cao là sắp đón rằm Trung thu. Năm nào cũng vậy, trẻ con chuẩn bị cho rằm từ mùa trước. Hạt bòng được bóc trắng tinh xâu vào thành chuỗi dài treo lên cho khô chờ đến đêm rằm mang ra đốt. Những chiếc cật tre chẻ mảnh được vót nhẵn, giấy màu xanh đỏ được dành dụm sẵn để làm đèn ông sao, đèn kéo quân.


Có năm còn không mua được giấy màu, đèn ông sao được dán bằng giấy báo, vậy mà náo nức. Trẻ con ngày ấy gần như đứa nào cũng biết cách làm cho mình một chiếc đèn ông sao từ nan tre, hay chiếc đèn lồng từ ống sữa bò, hộp xà phòng đã rửa sạch. Bọn con gái rủ nhau nhặt hạt thị cạo cho trắng vỏ, xiên vào đầu hạt chỗ nảy mầm chiếc que nhọn để làm dùi trống, gõ vào ống bơ toong toong nghe thật rộn ràng.


Lũ trẻ con xóm tôi còn có một món đồ chơi tự tạo thật đặc biệt: pháo đất. Đất sét được các nhà vét ao vật lên phơi trên bờ tre đã khô, mấy đứa con trai hì hụi khuân về để trên mặt sân. Trưa ngày rằm, mỗi đứa lấy từng nắm tùy theo khối lượng pháo của mình, nhào với nước thật kĩ cho nhuyễn, đến khi dẻo quánh lại thì nặn thành hình khối như chiếc nồi con rỗng miệng tròn đều.


Pháo của ai, người ấy bảo quản, phải giữ cho pháo không bị khô, chờ đến tối đem ra thi xem pháo nào nổ to hơn. Buổi tối, khi mọi nhà đã cơm nước xong xuôi bọn trẻ con mang pháo đến sân nhà tôi để thi, mặt sân nhà tôi phẳng nhẵn, rộng rãi, lại có bố tôi và mấy bác trong ngõ làm trọng tài.


Giải thưởng cho pháo nào nổ to nhất là một cặp bánh sừng bò bố tôi mua mãi tân trên phố huyện về. Bao giờ trò pháo đất cũng được chơi đầu tiên để ông trăng nghe tiếng pháo nổ bùm bụp và câu đồng dao vang vang pháo nổ, pháo nang, cả làng chịu chưa? mà nhô lên qua ngọn tre làng rồi chiếu sáng khắp đường thôn ngõ xóm. Kỉ niệm ấy dẫu bao nhiêu mùa thu đã đi qua rồi, tôi vẫn còn rưng rưng nhớ.


Bây giờ, cuộc sống đã đủ đầy, trẻ con nhà nào nhà nấy rủng rỉnh đồ chơi, đa dạng chủng loại, sặc sỡ sắc màu, rộn rã thanh âm hàng nội có, hàng nhập từ nước ngoài có được bày bán la liệt. Người lớn cũng nhân dịp tết Trung thu mà rủ nhau gặp mặt ăn uống vui chơi, trang trí cho trẻ những sân khấu biểu diễn rực rỡ ánh đèn, làm cho bọn trẻ con chiếc đèn lồng khổng lồ nhấp nháy, vừa để ôn lại kỉ niệm của một thời còn thơ bé. Rằm Trung thu dù bận bù đầu với công việc, tôi cũng tranh thủ đưa con đi sắm nào bánh nướng bánh dẻo, bòng bưởi, chuối na bày biện thành mâm ngũ quả cúng trông trăng ở sân nhà.


Khi các con tôi đã chạy chơi cùng chúng bạn đón trăng, tôi cứ ngồi mãi ở đầu thềm nhà mình nhìn lên vầng trăng vằng vặc với bóng cuội ngồi dưới gốc đa mà da diết nhớ. Chắc giờ này bố tôi ở quê nhà đang ngồi bên bể nước nheo nheo cặp mắt đã mờ đục ngắm vầng trăng rồi hỏi mẹ tôi: “Các con chúng nó đi rước đèn sao chưa thấy về bà nhỉ?”


Đông Bắc

Mùa về thương đâu yêu xưa…
Mùa về thương đâu yêu xưa…
Mùa về thương đâu yêu xưa…
Mùa về thương đâu yêu xưa…

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |