Mùa chim én bay về
Đất trời cuối tháng chạp âm lịch. Những cơn gió đòn càn, đòn xóc cứ rít lên xoáy vào mạng sườn làm ta buốt giá đến thót mình lại. Nhà nhà đang lo đổ nước ải. Những tảng đất màu trên mặt ruộng đã được phơi nỏ trắng có nước vào cứ tơi dần, tơi dần thành một thứ bột đất mịn và dẻo như ta đổ nước sôi vào bát nẻ gạo nếp mới.
Cánh đồng những ngày giáp tết vang lên những tiếng “vạt”, “riệt” và những tiếng roi tre vun vút của những ông thợ cày đầu đội nón mê, mình mặc áo tơi lá, thỉnh thoảng có tiếng “nghé ọ” của con trâu đen kềnh càng béo mộng vai đang mang cái ách để kéo những đường bừa trên ruộng. Cả làng đang đâm sấp dập ngửa chuẩn bị cấy. Cánh đồng đã được đổ nước và bừa kỹ. Muôn nghìn cây mạ đã được nhổ lên từ diệc mạ nhưng chưa nhà ai dám cấy vì trời còn rét đậm. Bầu trời cứ xám ngăn ngắt.
Bỗng từ xa kia, trên bầu trời xuất hiện những chấm đen, chấm trắng li ti, những cơn gió đòn càn, đòn xóc tắt dần, tắt dần rồi tắt hẳn. Trời sáng ra, ấm dần lên... Những chấm đen, chấm trắng ấy to dần, rõ dần lên thành hình những chữ V nhỏ xíu đang bay dần về phía cánh đồng làng. Hình chữ V nhỏ xíu thân thương ấy chính là những cánh én báo hiệu mùa xuân đang về trên quê hương thân yêu của chúng ta.
Thế rồi mưa nồng rơi trên khắp các cánh đồng, cánh rừng, trên khắp các bản làng, phum sóc, các ngõ phố thị thành, các con đường lối ngõ, các làng chài xóm thợ, các bến sông quê...Thế rồi muôn triệu nghìn nhánh mạ gầy từ các diệc mạ đồng cao hành quân xuống đồng thấp được tập hợp đứng thẳng hàng như những hàng quân. Mẹ, mẹ của chúng ta là Tư lệnh của đoàn quân ấy. Đoàn quân lúa sẽ lớn lên “lấp ló đầu bờ” nghe tiếng sấm rền tiến lên giành lấy thành trì no ấm...Thế rồi đào thắm. Thế rồi mai vàng. Thế rồi cỏ cây đâm chồi. Thế rồi lòng người rạo rực.... Mùa xuân. Mùa xuân. Mùa xuân đấy, các bạn ơi !
Người báo hiệu mùa xuân, chính là loài chim én thân thương yêu quý. Những con chim nhỏ xinh xinh – không bao giờ quên xứ sở tre xanh - đã vượt qua muôn trùng sóng vỗ, vượt qua muôn trùng hiểm trở mang tín hiệu mùa xuân về với dân làng, đất nước.
Đời các cụ ta xưa, đời cha ông ta, rồi đến đời ta đã phải trải qua bao nhiêu là cơ hàn, cùng quẫn, đã phải trải qua bao nhiêu là gian nan khổ cực, đã phải hi sinh bao nhiêu là tuổi xuân, bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và cả máu đào nữa... Ta thấy quý cái ký hiệu hình chữ V kia không thể nào tả được.
Ta chỉ ước một điều: Trăm năm nữa, nghìn năm nữa, cho đến muôn đời sau, cái ký hiệu hình chữ V xinh xắn kia cứ được viết mãi, viết mãi trên nền trời đất Việt.
Phạm Minh Giang