Món cơm ngô của mẹ
Đêm khuya, một mình bên chiếc laptop quen thuộc cạnh khung cửa sổ, cái lành lạnh của cơn gió cuối thu gai gai nơi hai cánh tay bất giác làm cô thèm một hơi ấm. Khoác thêm cái áo len mỏng, để chế độ ngủ cho máy tính, cô ngồi thu gối hướng ra song cửa, ánh mắt len lỏi qua không gian đen đặc để tìm về ánh đèn dầu leo lét thuở xưa trong căn nhà nhỏ có cánh cửa thủng lỗ chỗ như những cái chụp đèn. Nhà cô đó. Nhớ đến thắt ruột cái dáng mẹ ngồi cặm cụi khâu áo cho con những trưa không ngủ, nhớ lúc mẹ lục đục giữa đêm khuya dậy che cho đàn gà khỏi cái ướt lạnh của đêm mưa phùn gió bấc, nhớ nhất nồi cơm sắn cơm ngô mỗi buổi tối sum vầy…
Ngày ấy… Mỗi bữa mẹ khệ nệ bê nồi cơm đặt ở đầu cái mâm gỗ làm bằng nửa tấm cánh cửa cũ có đóng mấy cái chân, xung quanh là tám cái ghế con bằng gỗ bố đóng từ mấy năm trước, nay mặt ghế đen bóng như quét sơn, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm khói nghi ngút từ bát canh rau muống nấu với tương thơm nồng. Mùi bột ngô độn trong nồi cơm trắng vương vất đến tận bây giờ.
Thời bao cấp, cơm ngô óc, ngô bột, cơm sắn nạo, sắn nhát, khoai tây… là món ăn thường ngày triền miên của những gia đình nông thôn Việt Nam. Nhớ đến nôn nao cái vị mặn mòi sắn khoai ngô đậu mẹ nấu! Nhớ đến xót xa hình dáng mẹ gầy guộc đưa đôi tay có những ngón tay thâm xì nhựa khoai xới những bát cơm độn xếp hàng quanh mâm. Ánh mắt cô bỗng nhòa đi bởi cái màu trắng tinh khôi trong bát cơm riêng của chính cô - đứa con gái út ít của mẹ - vẫn day dứt suốt chiều dài kỉ niệm!
Nhớ thuở ấy, cô gái út được cả nhà, thậm chí cả làng gọi là “cái Bé”, mặc dù cô có cái tên khá kêu nhưng hầu như chẳng có ai biết ngoài thầy cô giáo và bạn học. Và dĩ nhiên cái Bé được cả nhà cưng chiều. Nhất là trong bữa cơm, mẹ thường để một góc nguyên gạo, còn cả nồi cơm sắn khoai chiếm già nửa. Các bà các mẹ thường bảo một hạt cơm cõng ba miếng sắn. Cái Bé cứ việc chén ngon lành bát cơm trắng muốt và thơm ngào ngạt mùi gạo mới, chẳng hề để ý cái nhăn mặt của mấy chị gái vì món cơm độn trường kì. Ấy thế nhưng cũng có hôm nó đòi ăn cơm ngô, là bởi vì cái mùi ngô ngai ngái nồng nồng quả thật có sức quyến rũ đến lạ kì. Hay là do nó thường được ưu tiên đặc biệt nên hóa lại thèm cơm độn trong khi cả xóm cả làng ai cũng ngấy đến tận cổ. Những hôm cái Bé đòi ăn cơm độn, mẹ đỡ phải lịch kịch, cẩn thận để lại một góc gạo không gới sắn gới ngô. Thế là cả nồi cơm gạo, ngô hoặc sắn cùng hòa làm một. Mà cái Bé chỉ thích món cơm độn với ngô bột. Bột ngô được gới vào khi nồi cơm đã được “rúc” kiệt nước. Sau khi vầy trong đám tro hồng được vài mươi phút, nồi cơm bắt đầu rỉ hơi và tỏa ra mùi thơm ngây ngất của gạo mới ngô mới. Ngày ấy nhà cái Bé làm gì có lương thực cũ từ vụ trước bao giờ, nên cơm dù độn đơn độn kép nhưng toàn là ngũ cốc mới thu hoạch, hương vị thật đậm đà tươi mới, nó có sức kích thích vị giác đến lạ lùng. Cái vị của cơm bột ngô thì ai chứ cái Bé mãi mãi không bao giờ quên được. Nó bùi bùi, ngậy ngậy, rôm rổm, nhai lâu lại có vị hơi ngòn ngọt của đường bột tự nhiên, sao mà đắm say mê hoặc đến thế! Mà đến bây giờ, ăn bao nhiêu loại, nào bánh ngô, xôi ngô, súp ngô…, nhưng chẳng có hương vị nào đặc biệt quyến rũ vị giác như món cơm bột ngô mộc mạc thanh bần ngày ấy. Quả thực là nó ngon, ngon ngay từ cách đây ba mươi mấy năm về trước, khi mà cơm độn là ác mộng của mọi nhà, thì món cơm ngô bột với cái Bé là “cực phẩm”. Không phải giờ đây khi đã nếm đủ mọi món ngon món lạ của ẩm thực thời no đủ thì mới quay lại nhớ món thanh đạm thuở bần hàn, mà cái hương vị ấy nó mê hoặc người ta tại chỗ. Hạ gục vị giác của một đứa trẻ con nhà nghèo bằng một món ăn của người nghèo thì rõ ràng món ấy phải đặc biệt đứt đi rồi!
Chẳng biết có phải nó ngon đến kì diệu như vậy hay không, hay lúc đó cái Bé nhầm lẫn cảm giác giữa cái ngọt ngào của ngô khoai với cái tình thương mà mẹ dành cho cô con gái út nó chan chứa mênh mang như khói bếp lam chiều? Hóa ra, đến tận bây giờ, sau ba mươi mấy năm “cái Bé” đã có những sợi tóc bạc trên mái đầu mới thấm cái ngon của bát cơm ngô bột có lẽ là do nó thường được ăn riêng bát cơm trắng thường ngày! Tóc “cái Bé” bắt đầu có sợi bạc cũng là lúc tóc mẹ đã trắng phau mái đầu!
Mẹ ơi! Bao giờ cho con trả hết cái tình của mẹ đượm trong bát cơm ngô ngọt bùi và bát cơm trắng tinh khôi mẹ dành dụm cả cuộc đời cho con! Con chỉ còn những ngày chủ nhật về bên mẹ, chải mớ tóc lưa thưa toàn sợi bạc của mẹ, buộc gọn gàng cho mẹ như hồi nhỏ mẹ thường buộc cho cô con gái út trước khi đến trường, và hai mẹ con ta cùng cười. Nụ cười của mẹ ấm cả một đời đứa con gái xa quê!
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Tuyền