Mở bài Vợ Nhặt
Mở bài số 01:
Văn là đời. Chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho bạn đọc những vấn đề nhân sinh. “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì nhà văn muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật Tràng- một gã nông dân nghèo, thô kệch nhưng nhân hậu và luôn giàu khát khao sốngMở bài số 02:
Nói về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân từng nói: "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" của ông chính là truyện ngắn đi sâu khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.
Mở bài số 03:
Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông viết nhiều, viết hay về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Hiện lên trong những trang văn của ông là hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, khốn đốn trong những hoàn cảnh riêng nhưng ở họ vẫn sáng ngời những vẻ đẹp đáng trân trọng, đó là ông Hai - một người dân yêu làng, yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng chợ Dầu theo giặc trong "Làng", đó còn là anh Tràng - người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa nạn đói trong truyện ngắn Vợ nhặt. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình để lột tả những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn con người, đó là tình thương, là sức sống mãnh liệt.