Màu nắng, vị mưa mùa Vu Lan
Thấm thoắt, mùa Vu Lan báo hiếu đã tới. Tiết trời tháng bảy âm lịch thật đặc biệt với sự đan xen của thoắt nắng thoắt mưa. Dường như, trong màu nắng vị mưa ẩn chứa giọt nhớ giọt thương của những người con dành cho đấng sinh thành.
Màu nắng mùa Vu Lan thật đặc biệt, tuy dịu hơn nắng hạ nhưng không mỏng nhẹ như nắng xuân. Nắng mùa này cũng không ngọt ngào như nắng thu hay mang thoáng chút hanh hao của nắng đông. Đến cữ này, mưa không ào ạt, mãnh liệt như mùa hạ, chỉ chợt mưa chợt tạnh mà dường như thấm vị mằn mặn của những giọt nước mắt mùa Vu Lan.
Với ai đó, tháng bảy là tháng cô hồn, nhưng với nhiều người, đây là tháng có đại lễ Vu lan báo hiếu. Lễ Vu Lan được gắn với sự tích Ngài Tôn giả Mục Kiền Liên dùng đức đại hiếu của mình tổ chức đại lễ trai tăng trang trọng vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ của chư tăng để cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, khi mùa Vu Lan tới, mọi người thường tới chùa dâng hương tưởng nhớ công đức của bậc sinh thành. Có những mùa Vu Lan, tôi lặng ngồi dưới mái chùa, không gian như lắng lại với tiếng chuông chầm chậm buông. Khi cùng đại chúng đọc lên những dòng kinh Vu Lan và nghe các quý Thầy giảng về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bất giác, tôi nấc nghẹn, nước mắt cứ thế trào ra… Bao kỷ niệm vui buồn với cha mẹ chợt ùa về trong tâm trí.
Mẹ luôn dành cho tôi tình yêu dịu ngọt, mát lành. Bữa cơm có gì ngon mẹ cũng đều phần cho các con với câu muôn thuở: “Mẹ không thích ăn”. Nhớ dáng mẹ hao gầy liêu xiêu trong nắng đi tìm mua thuốc khi tôi ốm. Đêm mùa hạ mất điện, mẹ ngồi tựa lưng cuối giường quạt mát cho mấy anh em ngủ ngon. Những năm tháng bố công tác xa, đêm gió bão giật tung mái nhà, mẹ nhường anh em tôi chỗ khô để chịu ngồi chỗ ướt. Và sáng hôm sau, mẹ loay hoay trèo lên dặm lại mái nhà. Nhiều khi, tôi thầm hỏi: “Không biết mẹ lấy đâu ra nhiều sức lực như vậy để nuôi chúng tôi qua những ngày khốn khó?”.
Tình yêu của bố dành cho tôi tuy lặng thầm nhưng tràn đầy yêu thương sâu sắc. Nhớ những ngày thơ bé, mải theo chúng bạn đi chơi không xin phép, bị bố đánh một roi vào chân mà tôi khóc lóc cả buổi. Đêm khuya tỉnh giấc, chợt thấy bố đang lấy dầu thoa vào chỗ chân tôi hằn vết roi. Lúc ấy, dù cố làm như đã ngủ mà nước mắt tôi cứ chảy tràn trên gối.
Sau này, trong dòng đời mưu sinh đầy áp lực, tôi luôn tìm thấy cảm giác an yên khi trở về nhà với bố mẹ. Đôi khi, về nhà chỉ để ăn những món quen thuộc mẹ nấu, nghe những câu chuyện nho nhỏ của bố mẹ cũng khiến lòng dịu lại. Tôi đã từng gặp biến cố trên đường đời và định buông xuôi tất cả. Thời điểm đó, mẹ rất xót xa, lo lắng cho sự an nguy của tôi. Bố bình tĩnh động viên tôi mạnh mẽ, tiếp tục đối mặt với thử thách của cuộc sống.
Hàng năm, trong ngày Lễ Vu Lan, các ngôi chùa thường có nghi thức “Bông hồng cài áo” để thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành. Trong nghi thức đó, các em phật tử sẽ đưa những giỏ hoa hồng các màu khác nhau để mọi người cài hoa lên áo.
Những người còn cha mẹ thật vui sướng khi cài lên áo bông hồng màu đỏ. Ai đó ngậm ngùi khi cài bông hoa màu hồng lên ngực, điều đó có nghĩa họ chỉ còn cha hoặc mẹ. Có người mắt lệ nhạt nhòa khi cài lên áo bông hồng màu trắng khi song thân đã qua đời. Với các tu sĩ, họ luôn được cài lên ngực bông hồng màu vàng để ghi nhớ công ơn cha mẹ rộng lớn là tất cả chúng sinh. Giây phút đó, tất cả mọi người đều nhòa lệ khi những ca từ bài hát “Bông hồng cài áo” dìu dặt vang lên: “Một bông hồng cho em/Một bông hồng cho anh/Và một bông hồng cho những ai/Cho những ai đang còn mẹ/Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn…”
Một mùa Vu Lan nữa lại về với màu nắng rưng rưng, vị mưa mằn mặn. Này bạn, chúng ta hãy cùng nói lời yêu thương với cha mẹ của mình khi chưa quá muộn.
VY ANH