Lời thầy cô mãi mãi vẫn nhớ
Có lần, tình cờ tôi được nghe một bài hát với giai điệu và ca từ rất tha thiết, chân tình, giàu hình ảnh như một câu chuyện kể:
“Lời Thầy Cô, mãi mãi vẫn nhớ, mãi mãi vẫn nhớ ghi trong cuộc đời,
Những Công ơn năm xưa đã cho ta hôm nay, ngày mai”[1]
Tôi đã lắng nghe bài hát ấy với một cảm xúc lạ. Những ca từ trong trẻo, đong đầy nhiều kỷ niệm ngỡ như một tiếng vọng xa xưa, gợi nhớ trong tôi về những Thầy Cô giáo của mình.
Người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo mà ông cha ta đã truyền dạy từ bao đời nay: "Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư", “Không Thầy đố mày làm nên”. Ai cũng đã từng một thời cắp sách tới trường. Và trên bước đường sự nghiệp, công danh....không thể vắng hình bóng người Thầy. Chính Thầy Cô đã trang bị cho học sinh những kiến thức để làm hành trang bước vào đời, chắp cánh cho những ước mơ được bay cao. Những bài học của ngày hôm qua, có khi đến tận hôm nay tôi mới thấu hiểu hết. Đúng là học trò đâu chỉ trưởng thành bằng nguồn kiến thức và người Thầy cũng đâu chỉ dạy cho học sinh giải toán, làm văn. Thầy Cô còn gửi gắm muôn vàn tâm tình, truyền cho học sinh nhiều điều thiêng liêng, kỳ diệu khác.
Thuở ấu thơ, từ những ngày đầu đi học, chúng tôi đã được Thầy Cô uốn nắn từng nét chữ, giảng giải cho biết thế nào là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”... Những bài học đầu tiên về lễ nghĩa, về đạo làm người ấy không thể phai mờ trong ký ức.
Tôi đã được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều và cũng đã học được nhiều điều trong cuộc sống, nhưng duy chỉ có một điều tôi vẫn chưa thực hiện được là nói lời cảm ơn đến Thầy Cô giáo cũ. Chính sự ngại ngần này đã khiến “người học trò nhiều tuổi” trăn trở suốt bao năm qua. Và thật lạ, mỗi khi nhớ về Thầy Cô, hình ảnh sâu đậm nhất trong miền ký ức của tôi chính là bóng dáng người Thầy với tấm lòng bao dung, sống thanh bạch, giản dị rất “đời thường”: áo sơ mi sờn bạc, chiếc cặp đã phai màu theo năm tháng, chiếc xe đạp cũ và đôi mắt hiền sau cặp kính trắng. Những hôm trời mưa như trút nước, Thầy trùm mảnh ni lông che vừa đủ chiếc cặp trong giỏ xe và hai vạt áo. Giáo án thì khô mà lưng áo Thầy lại ướt!
Nhớ về Thầy, tôi không thể nào quên những ngày mưa rả rích, Thầy thương học trò không có áo mưa nên ở lại chờ khi mưa tạnh mới yên tâm ra về. Chẳng biết từ bao giờ, Thầy đã trở thành người bạn đồng hành cùng chúng tôi. Mấy mươi năm rời xa mái trường phổ thông, hình ảnh đẹp tôi mang bên mình vẫn là hành động Thầy giơ tay chào học sinh khi ngày đầu đến nhận lớp.
Biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, trưởng thành hơn từ những bài học không lời quý giá như thế. Những bài học không có trong giáo án, chỉ bắt gặp ở trang sách của cuộc đời, cho nên dù thời gian có lật sang bao nhiêu trang đi nữa… vẫn cứ đẹp, cứ sáng ngời ý nghĩa cao cả.
Tôi nhớ đến Thầy Cô – những nhà giáo tận tâm – bằng lòng thành kính. Những kiến thức sách vở mà Thầy Cô dạy có thể sẽ mai một theo thời gian, nhưng lời Thầy Cô dạy học sinh cách sống cho trọn đạo hiếu, sống sao cho có ý nghĩ thì chẳng thể nào phai nhạt. Thầy Cô đã dạy cho học sinh rất nhiều điều ngoài trang vở. Chúng tôi đã được nghe kể về những nỗi niềm “khát chữ” của thế hệ Thầy Cô. Thầy Cô chỉ biết lấy việc học làm niềm vui, làm đích vươn lên để thoát nghèo, thoát khổ và để sống cho đáng sống với tư cách làm người.
Lời Thầy Cô, tôi mãi mãi vẫn nhớ: “Sống trên đời phải có niềm tin và nỗi sợ”. Và từ bài học “ngoại khóa” ấy, tôi biết sợ ánh mắt thất vọng của người thân mỗi khi tôi không đạt được kết quả tốt để càng cố gắng vươn lên. Những khi lạc mất niềm tin, tôi nhớ đến câu chuyện về cuộc đời Thầy. Dù cuộc sống còn lắm khó khăn nhưng lúc nào Thầy cũng lạc quan, thỉnh thoảng còn hóm hỉnh: “rên hèn, van yếu đuối”[2]. Từ bài học thầy dạy, tôi thực sự hiểu rõ: “Không có niềm tin thì làm việc gì cũng khó thành công” và thầm cảm ơn Thầy Cô đã cho tôi biết tin yêu vào cuộc sống, đã dìu dắt để tôi hiểu tình người mang đầy ý nghĩa và cho tôi nhìn rõ trong mỗi người đều tiềm ẩn những vẻ đẹp cùng khả năng riêng, quan trọng là biết phát hiện và phát huy nó. Tôi hiểu đó là những lời khích lệ để chúng tôi – những học trò của Thầy Cô - luôn vững vàng, cứng cáp trên đường đời. Thầy Cô cũng đã truyền cho chúng tôi một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình để khơi dậy ngọn lửa của lòng đam mê, biết rèn luyện để mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn với bản thân mình. Tôi đã từng mặc cảm, tự ti vì gia đình mình nghèo; sợ sệt vì không có một sức khỏe bình thường như các bạn. Giữa những hoang mang, lo lắng, tôi đã kịp nhận được sự quan tâm, động viên của Thầy Cô: “Cuộc sống sẽ có ý nếu biết lấy nghịch cảnh để mài dũa bản thân”. Khi tôi chùn bước hoặc có lúc không thể làm được một việc gì thì bàn tay ấm áp của Thầy Cô lại nhẹ nhàng nâng đỡ, truyền cho tôi thêm nghị lực: “Khi người ta sống hời hợt, thiếu tự tin thì làm việc gì cũng khó thành công”. Với riêng tôi, đó là những lời yêu thương xuất phát từ trái tim người Thầy, người Cô chân chính, dõi theo cả đời mình. Đến bây giờ, bước chân tôi đi có lúc vững vàng, có khi chệch choạc, vội vã hay ngập ngừng, … thì những tình thương mà Thầy Cô đã trao cho ngày nào chính là kim chỉ nam để hướng tôi đi đúng đường.
Thầy Cô – hai tiếng thân thương tôi mang trong tim suốt cuộc đời. Dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, tôi vẫn chưa đi hết lời Thầy Cô chỉ dạy. Nếu có ngày được bước lên đài vinh quang thì tôi mãi luôn ghi nhớ người nâng bước cho tôi trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của các Thầy Cô. Cái ngày xưa của một thời kỷ niệm đã qua đi, sẽ không bao giờ quay lại nhưng những hồi ức về một thưở đến trường nhận được sự chỉ dạy ân cần của Thầy Cô sẽ không bao giờ phai nhòa trong mỗi học sinh. Thầy Cô đã dìu dắt chúng tôi, dạy chúng tôi học cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng: “chấp nhận bài thi bị điểm thấp còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử”. Thầy Cô cũng dạy chúng tôi biết quý thời gian, trọng chữ tín, chỉ cho chúng tôi phương cách sống để giữ lòng trong sạch, nhắc nhở chúng tôi rằng: “Tính cách là những gì ta có được từ môi trường nuôi dưỡng, giáo dục” và “lỗi lầm lớn nhất mà con có thể mắc phải chính là mất thời gian để biện hộ cho lỗi lầm của mình”. Thầy Cô ơi! Bao nhiêu năm qua, học sinh của Thầy Cô vẫn luôn tâm niệm: “Không gì sưởi ấm cho ta bằng lửa tự trọng trong tâm hồn”. Thầy Cô đã truyền cho chúng tôi sự kiên nhẫn, niềm vui của việc đọc sách, hướng cho chúng tôi tiếp cận những giá trị nhân văn để có những trải nghiệm cuộc sống và biết cảm nhận số phận con người: “Không được chế giễu nỗi đau của người khác, biết cư xử tốt với mọi người bắt đầu bằng việc nghĩ về điều tốt của họ”. Không ai trong lớp quên được mỗi khi giao những bài tập làm thêm, Thầy luôn gửi kèm một lời nhắn nhủ: “Ai chưa hiểu thì hỏi nhé!”. Ngắn gọn và bình dị là thế nhưng chan chứa biết bao tình thương. Như được dịp, cả lớp cứ nhao nhao lên: “Thầy ơi, cho em hỏi”, “Thầy ơi, sao lại thế”, “Thầy ơi, giúp em”, “Thầy ơi, Thầy ơi”…khiến Thầy phải nói không ngừng nghỉ. Đâu chỉ có thời gian chạy, Thầy cũng mệt nhoài vì chạy theo từng thắc mắc của chúng tôi ngay cả khi đã quá giờ ăn trưa. Chính vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Thầy Cô là một tấm gương sáng để học sinh soi vào, chiêm nghiệm và tự hoàn chỉnh mình.
Thời gian trôi qua, giờ ngẫm lại mới thấy thấm thía: “Bước chân đi hôm nay, có ai quên đôi tay người xưa”[3]. Thầy Cô đã gieo hạt giống tri thức, thắp sáng trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền ngọn lửa tinh thần… để chúng tôi mạnh dạn bước tiếp và trở thành người có ích. Qua nhiều năm tháng, có ai đếm được bao nhiêu “chuyến đò” Thầy Cô đã chở? Bao nhiêu ước mơ, khát vọng đã được Thầy Cô chấp cánh để vươn lên? Chỉ biết rằng, dù tóc đã bạc, mắt không còn tinh anh nhưng Thầy Cô vẫn luôn giữ vững tay chèo, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Bởi, với Thầy Cô: “Thành công trong đời người làm nghề giáo không phải là một thành quả hữu hình nhưng có một giá trị lớn lao không vật chất nào sánh bằng, đó chính là sự trưởng thành, lớn khôn về học vấn và nhân cách, phẩm chất của lớp lớp học trò”.
Tất cả chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc những ngày tháng được Thầy Cô dạy bảo là những ngày hạnh phúc và vui nhất của lứa tuổi học trò. Niềm vui, niềm hạnh phúc ấy kết thành những kỷ niệm về tình nghĩa thầy trò, mãi mãi sáng đẹp và đáng trân trọng biết bao. Muốn cảm ơn Thầy Cô thật nhiều, nhưng làm sao kể hết ân tình và cũng không thể viết thành lời chúc cho đầy đủ và tròn trĩnh được, vì công lao và sự đóng góp của Thầy Cô trọn vẹn hơn rất nhiều. Niềm kính yêu trân trọng đó, lớp lớp học sinh của Thầy Cô ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau luôn khắc ghi:
"Nghĩa Thầy Cô một đời không trả hết
Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu”
Với công việc thầm lặng, khó nhọc nhưng vô cùng cao cả, vinh quang, Thầy Cô giáo - dù ở đâu, trong bất cứ thời đại nào – cũng luôn luôn phải được trân trọng, tôn vinh. Tôn kính người Thầy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người học trò và của xã hội. Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc không phải chỉ trong một ngày mà trong mỗi ngày của cuộc đời chúng ta.
Ngày Hiến chương Nhà giáo đang đến rất gần. Những bài hát ca ngợi, tri ân Thầy Cô lại rộn ràng vang lên.
*****
[1] Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung
[2] Trích một câu trong thơ Tố Hữu
[3] Ca khúc: Lời Thầy Cô – Sáng tác: Nguyễn Đức Trung
Tác giả: Mai Mai