Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay ông Trời), nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công ông Táo (Táo quân).
Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực. Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình, nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới. Sau khi cúng Táo Quân, người ta hóa mã, đồng thời hóa cả bộ mã năm trước.
Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được coi là mang tính cách chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Người ta chuẩn bị chu đáo cho chiều 30 là thời điểm đón ông Công ông Táo trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới. Ban thờ Thổ Công thường bày biện khá đơn giản gồm bộ 3 chiếc mũ. Chiếc mũ ở giữa là mũ đàn bà, hai bên là mũ đàn ông. Bộ mũ (dù ba chiếc hay một chiếc) đều kèm theo chiếc áo và đôi hia đính vào bệ giấy hoặc khi cúng được kê trên bệ là vài trăm thoi vàng mã. Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!. Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa PGS.TS Trần Lâm Biền, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải được đặt ở một nơi riêng, có thể đặt trong nhà, dưới bếp, ngoài vỉa hè, tùy từng gia đình nhưng không được cúng trên bàn thờ chính, cúng giờ nào cũng được, từ ngày 22 đến 24 tháng Chạp, theo tục lệ của từng địa phương, quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ.
Cuối năm cũng là thời điểm có nhiều lễ cúng quan trọng để chuẩn bị đón Tết nguyên đán như cúng tất niên, cúng giao thừa. Đây đều là các nghi lễ quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt nên các bạn nhớ chuẩn bị sao cho thành kính. Ngày nay việc cúng Táo quân vô cùng phổ biến, điều này chứng tỏ người dân Việt Nam luôn lưu giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp từ bao đời nay.