Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km về phía Đông được hình thành khoảng thế kỷ thứ 14, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15, 16. Sau đó, do chiến tranh loạn lạc mà nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền, cho đến năm 2001, gốm Chu Đậu được nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật, kiểu dáng, từ đó làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh, phát triển như hiện nay.
Nguyên liệu để làm gốm Chu Đậu là đất sét trắng được lấy từ vùng Trúc Thôn, Hải Dương. Đất sét sau khi lấy về được hòa trong nước, sau đó lọc qua hệ thống máng và bể ngắn. Quá trình lắng lọc tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, thêm chất phụ gia rồi phối luyện thành hồ gốm. Đất sau khi được luyện kỹ, đạt độ dẻo, mịn sẽ được người thợ nặn trên bàn xoay. Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay, từ khâu nặn, đến trang trí đều được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Điều này khiến cho gốm của Chu Đậu không thể lẫn với những loại gốm khác. Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý, tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa cúc, hoa sen, chim Lạc Việt. Đặc biệt, hoa văn được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau.
Hiện nay gốm Chu Đậu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng, hàng xuất khẩu. Trong đó nổi tiếng, được ưa chuộng nhất là gốm hoa lam, bình tỳ bà. Ngoài ra, những sản phẩm khác như: ấm rượu Rồng, bình cúp Ngũ Hành, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu.