Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm còn mang nhiều dấu ấn xưa cũ của làng quê Bắc Bộ nhiều nhất. Hầu như mức độ đô thị hóa chư lan rộng ảnh hưởng tới nơi đây. Không những thế nhiều nét sinh hoạt xưa cũ vẫn còn được thể hiện trong cuộc sống ngày nay. Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vào mùa lúa chín những con làng chất đầy rơm khô, cái chân chất mộc mạc của hồn quê Việt khiến người ta như thoát hẳn cuộc sống đầy xô bồ, áp lực trong nội thành kia. Đặc sản của ngôi làng này là kẹo dồi, nhâm nhi cùng ly nước trà xanh mà mỗi du khách nhất định nên nếm thử.
Mùa lễ hội làng Đường Lâm diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm. Lễ tế Thành Hoàng làng tổ chức tại ngôi đình làng cổ nhất với các hoạt động rước kiệu, dâng lợn, dâng gà… Sau đó người dân trong làng sẽ tham gia vào các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt… tạo nên không khí lễ hội vui tươi, náo nhiệt. 6 ngày sau, lễ hội của thôn Đông Sàng được tổ chức, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng bội thu với nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân, lễ rước nước, tế lễ. Đoàn rước nước bắt đầu từ đình làng đến bờ sông Hồng với rồng, lân, ngựa, cờ,… kéo dài suốt gần một ngày. Đến Đường Lâm trong thời gian này, bạn sẽ được tận hưởng không khí lễ hội hết sức náo nhiệt và thưởng thức những món ăn đặc sản mà chỉ có trong ngày hội.
Địa chỉ: Sơn Tây, Hà Nội.