Làng bánh pía Vũng Thơm
Bánh Pía Vũng Thơm, Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ 17, khi những người Hán đầu tiên di cư đến phương Nam, lúc đầu chiếc bánh là lương thực bí mật giúp họ thoát khỏi những ngày khó khăn cơ cực, sau đó một vài người mở tiệm kinh doanh, món bánh được chế biến phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt, bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo của vùng đất phương Nam và lớn dần trở thành làng nghề như ngày nay. Không chỉ thơm ngon và đa dạng, bánh Pía ngày càng được chăm chút hơn về bao bì, và quy trình đóng gói để bánh được lưu giữ lâu hơn. Bánh Pía Vũng Thơm Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, khiến người ăn có thể nếm lai rai không biết ngán. Lớp vỏ bánh mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Ăn bánh Pía mà thưởng thức cùng tách trà nóng thì còn gì bằng. Vị đăng đắng, thanh tao của trà vừa giúp khơi dậy hương vị thơm ngon cho bánh vừa làm bánh đỡ ngấy.
Bánh pía được yêu thích bởi có một mùi thơm và hương vị đậm đà rất đặc trưng mà không món bánh nào giống được. Thế nhưng, để tạo ra một chiếc bánh ngon đúng hiệu cần phải tỉ mỉ, trải qua nhiều giai đoạn cầu kỳ và tuân thủ bí quyết gia truyền. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Vũng thơm Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo ra từ những múi sầu riêng được tuyển chọn từ khắp miệt vườn miền Tây. Từ chiếc bánh Pía nguyên thủy, ngày nay bánh Pía đã được biến thể rất nhiều; không chỉ có nhân phổ biến như: đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, trứng muối, bánh còn có nhân hạt sen, xá xíu, củ cải, thơm (dứa), bơ… Trước khi đem vào lò nướng bánh Pía được trang trí bằng màu thực phẩm và quết một lớp lòng đỏ trứng cho thêm hấp dẫn. Người phương xa đi ngang Sóc Trăng bao giờ cũng mua vài phong bánh bía về làm quà cho người thân, như mang theo hương vị ngọt ngào, chân chất của vùng quê Nam Bộ.
Địa chỉ: Xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng.