Kỹ năng vượt qua khó khăn, thử thách
Ở độ tuổi mầm non, trẻ thường thích thú với những điều mới lạ xung quanh, tuy nhiên, hầu hết các con sẽ gặp khó khăn hay chướng ngại vật khi không có người lớn trợ giúp. Vì vậy, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng vượt khó – để giúp con tự tin vào bản thân mình và tự do khám phá thế giới.
4 hành động của cha mẹ giúp con rèn luyện kỹ năng vượt khó:
- Động viên con: Hãy luôn động viên con tự mình làm các công việc vừa sức với con.
- Khuyến khích con tự do sáng tạo: Để con có một khả năng thích ứng, xử lý mọi tình huống trong cuộc sống yêu cầu con phải có khả năng sáng tạo tốt. Để kích thích khả năng tư duy sáng tạo của con, cha mẹ cần cho con tiếp xúc với các trò chơi có tính mày mò, quan sát và phán đoán nhanh, tìm cách giải quyết, ví dụ như nặn tượng đất sét, sắp xếp tranh, lắp mô hình… cho con thoải mái sáng tạo theo cách của mình. Đồng thời lắng nghe ý kiến của con và khuyến khích con bày tỏ ý kiến riêng của bản thân.
- Rèn kỹ năng vượt khó qua hoạt động thể dục thể thao: Tập luyện một môn thể thao không những giúp con tăng khả năng vận động, rèn luyện một cơ thể cân đối mà còn giúp hình thành tính kiên trì, vượt khó trong mỗi đứa trẻ. Cha mẹ hãy tập luyện với con bằng những bài tập cơ bản như đi bộ ở công viên, nhảy dây sau đó dần dần tăng mức độ khó của các môn thể thao như leo núi trong nhà…con sẽ thấy được không gì là dễ dàng và sẽ rất vui khi vượt được qua các chướng ngại vật mà cha mẹ đặt ra.
- Dạy trẻ kỹ năng quan sát và đặt câu hỏi: Đây là hai hành động con cần học và thực hiện khi đứng trước một khó khăn. Khi trẻ gặp một chướng ngại vật hoặc vấn đề nào đó, điều con cần làm là giữ thái độ bình tĩnh và quan sát để tìm ra cách xử lý phù hợp nhất. Ví dụ khi trót làm dây màu vẽ ra quần áo, con hãy nhìn xung quanh và bình tĩnh xử lý bằng cách lấy khăn giấy thấm trước khi nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ. Đôi khi cha mẹ hãy để con được tự mình giải quyết vấn đề. Các phụ huynh có thể giúp đỡ nếu trẻ đưa ra lời xin trợ giúp hoặc cần hướng dẫn. Đặt câu hỏi là một cách tuyệt vời để giúp trẻ kiểm soát vấn đề của bản thân mình. Ngoài ra việc tự đặt câu hỏi còn kích thích năng lực tư duy trong trẻ và hình thành khả năng sáng tạo, trẻ sẽ có nhiều phương án giải quyết khó khăn và lạc quan khi xử lý tình huống hơn.