Kí ức Tết xưa

Tôi nhớ Tết của những ngày xưa, xưa ấy!


Kí ức tôi, vẫn nguyên vẹn những cái Tết nghèo mà đầm ấm, mộc mạc mà thân thương. Có lẽ vì nghèo, vì thiếu thốn mà con người ta dùng tình yêu thương để lấp đầy những khoảng trống đó, để quên đi nỗi lo cơm áo, để vui vầy sum họp gia đình những ngày đầu năm thật ấm cúng, an vui.


Tôi nhớ những ngày giáp Tết, mẹ cắt lá dong dặn chị em tôi ở nhà rửa cho thật sạch. Bố và anh quét lại vôi cho căn nhà ngói năm gian cũ kĩ. Hồi ấy tôi còn nghĩ, cái nhà nó cũng sướng y như chị em tôi, mỗi năm thay áo mới một lần. Mẹ phì cười khi tôi so sánh vậy. Mẹ bảo, bao giờ khá giả, mẹ sẽ may nhiều quần áo mới cho ba chị em chứ không phải chỉ chờ đến Tết.


Tôi yêu những khoảnh khắc cả nhà ngồi làm bánh chưng cùng nhau. Bố dặn mấy đứa ngồi nhìn mẹ làm mà học, mai kia lớn còn làm thay cho mẹ. Tôi lăng xăng nắm từng nắm đỗ nhỏ mẹ đã đồ chín để làm nhân bánh. Hăng hái lắm, phần vì cảm thấy mình được việc, phần vì kiểu gì mẹ cũng sẽ cho tôi nếm thử một hai nắm. Mẹ biết tôi thích thứ đỗ bở tung ấy, nên năm nào mẹ cũng chuẩn bị dư ra nhiều hơn số cần dùng.


Tôi thèm quay trở lại những ngày hì hụi cùng anh trai làm pháo. Những quả pháo được làm từ giấy vở, từ những quyển sách cũ, cùng với bột thuốc súng. Những bánh pháo dài thật dài, những quả pháo cối to thật to. Anh bảo, pháo nhà mình phải nổ to nhất, phải dài nhất mới oách. Và để thử xem quả pháo cối anh làm nổ có to hết cỡ không, hai anh em bàn nhau sang bếp nhà bác hàng xóm, đặt nó vào cạnh cái bếp tro, dòng dây và châm ngòi. Pháo nổ, nổ to lắm. Tro trong bếp bay tứ tung, mịt mù khắp cái bếp, phủ kín cả những vung nồi cám lợn nhà bác. Lần đầu tôi được nghe tiếng pháo to như thế, và cũng là lần đầu mẹ tặng anh em tôi một trận roi đau đến như thế. Giao thừa năm ấy, đúng là pháo nhà tôi nổ rền nhất xóm. Tiếng pháo ròn rã như tiếng cười hào hứng cùng niềm hân hoan của hai anh em tôi.


Tôi thích những phút giây ngồi quanh nồi bánh chưng đỏ rực lửa. Bố lấy cây bời những cục than hồng, đem nhúng vào nước lạnh để hôm sau lấy than nướng thịt. Mẹ lại kể chuyện ngày xưa, cái ngày xưa của mẹ, nghèo khổ hơn chúng tôi gấp vạn lần. Thời của tôi, Tết được ăn thịt thỏa thích, nhưng cái Tết của mẹ có cơm trắng mà ăn đã là no đủ lắm rồi. Mẹ kể, ông ngoại ăn lợn đậu tận làng bên, có đến hơn chục nhà ăn chung con lợn. Ông sai cậu sang chờ rồi nhận phần nhà mình. Cậu đi bộ men theo bờ ruộng, bước thấp bước cao. Khi thì vấp ngã khi thì loạng choạng. Miếng lòng dồi luộc lên thơm quá, con đói và sự thèm thuồng không thể kiềm chế nổi một đứa trẻ quanh năm chưa có miếng nào ngon. Cậu cứ thế xơi hết chỗ phần đó. Mà gọi là phần, chứ thực ra có được mấy miếng. Về được tới nhà, trên tay cậu chỉ còn vài miếng thịt sống được xâu vào lạt, lụn vụn và dính đầy bụi với sạn. Mẹ cứ kể đi kể lại những câu chuyện đó, và mỗi lần kể nước mắt vẫn cứ rưng rưng. Chị em tôi cũng nghe đi nghe lại, không thấy nhàm mà chỉ thấy thương cái tuổi thơ đói khổ của mẹ mà thôi.


Tôi luôn khát khao những bữa cơm đoàn viên, có bố mẹ có anh chị. Không phải vì đồ ăn ngon, mà những ngày như thế tôi thấy bố hiền lắm, không còn lạnh lùng ít nói như ngày thường. Bố nói về một năm đã qua của cả nhà, bố nhận xét từng đứa con một, cái gì được cái gì chưa được. Bố dặn chị em tôi phải biết quan tâm hơn tới mẹ. Không quát mắng, không cau có, không nguyên tắc, chỉ có sự đầm ấm đầy yêu thương.


Những kỉ niệm, những hình ảnh về những cái Tết của tuổi thơ vẫn luôn hằn sâu trong kí ức tôi. Không ai muốn quay trở lại một ngày xưa đói khổ lam lũ, mà con người ta, giữa cái dòng đời hối hả này, chỉ khát thèm cái cảm giác ấm áp chân thành của lòng người những ngày xa xưa ấy.


Hạnh Nguyễn

Kí ức Tết xưa
Kí ức Tết xưa
Kí ức Tết xưa
Kí ức Tết xưa

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |