Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang
Diện tích: 1 118 105 ha
Vị trí: Kiên Giang
Năm được UNESCO công nhận: 2006
Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO công nhận tại kì họp thứ 19 từ ngày 23 đến 27/10/2006 tại Paris. Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, đây là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ hai của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển này bao trùm lên địa phận của các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, Vĩnh Thuận và Kiên Lương và có ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải.
Về sự đa dạng hệ sinh thái, khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là nơi tập trung nhiều hệ sinh thái rừng nhiệt đới: hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ Dầu; hệ sinh thái rừng trên núi đá với ưu thế của loài ổi rừng và hoàng đàn ; hệ sinh thái rừng ngập chua phèn; hệ sinh thái rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm,... đặc biệt là loài cóc đỏ còn sót lại duy nhất ở Việt Nam); hệ sinh thái rú bụi ven biển; hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển.
Khu vực đảo Phú Quốc là nơi có sự đa dạng sinh học rất cao.Thực vật nơi đây phong phú về thành phần loài, nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có giá trị cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và kinh tế. Phú Quốc có 529 loài thực vật thuộc 118 họ và 365 chi, trong đó có 8 loài đặc hữu. Trong 42 loài được ghi vào sách đỏ, có 11 loài tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, 20 loài quý hiếm, 8 loài bị đe doạ và 3 loài nguy cấp. Động vật đặc hữu đảo Phú Quốc ngoài chó Phú Quốc còn có hai phân loài chim là chìa vôi vàng và hút mật đỏ. Tính quý hiếm của động vật đảo Phú Quốc còn thể hiện ở 23 loài ghi trong Sách Đỏ, trong đó loài có nguy cơ tuyệt chủng là rắn hổ mây, vích , cá sấu nước ngọt, đồi mồi, chồn bay, vượn má trắng và gấu chó.
Khu vực Kiên Lương - Kiên Hải có hệ thực vật gồm 182 loài thuộc 59 họ, thực vật trong vùng ngập mặn có 39 loài ưu thế là cây mắm, đước,... Thực vật rừng tràm có 47 loài, thuộc 30 họ, với cây tràm là loài chiếm ưu thế. Động vật hoang dã ở khu vực Kiên Lương - Kiên Hải - Hà Tiên có 28 loài thú thuộc 8 bộ tập trung chủ yếu ở Hòn Chông, số lớn trong đó là loài đặc hữu Đông Nam Á, một số có nguồn gốc Ấn Độ, Miến Điện từ phía Tây di cư sang, một số loài Mã Lai từ phía Nam đi lên. Do khu vực này có nhiều vách đá, hang động, vịnh biển..., thích hợp cho các loài thú nhỏ và chim nước với số lượng lớn và chủng loại phong phú. Trong 55 loài chim phát hiện được, nhiều loài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam và trên thế giới như: sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh và hạc cổ trắng, là những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi đó, khu hệ động vật ở U Minh Thượng tuy không giàu so với các khu bảo vệ khác ở Việt Nam, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với hệ sinh thái rừng ngập nước úng phèn và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt các nhà khoa học phát hiện được loài Rái cá mũi lông - là loài hiếm ghi trong Sách Đỏ động vật Việt Nam và sách đỏ IUCN. Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng là nơi duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại rừng úng phèn nguyên sinh với các khu rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn.