Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An
Diện tích: 1 303 278 ha
Vị trí: Nghệ An
Được UNESCO công nhận năm: 2007
Nằm trên địa bàn 9 huyện ở phía tây tỉnh Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á. Vùng lõi của khu dự trữ bao gồm Vường quốc gia Pù Mát cùng hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Nơi đây có một vị trí địa lí quan trọng, bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Cả và các đỉnh núi cao của dãy Trường Sơn Bắc như Pu Xai Lai Leng, Phu Hoạt.
Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao; có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 84 loài cá, 39 loài dơi, 304 loài bướm ngày và hàng ngàn loài côn trùng khác. Không chỉ có tính đa dạng sinh học rất cao, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An còn mang trong mình tính đa dạng về văn hóa dân tộc với 9 dân tộc, trong đó có dân tộc Ơ Đu là dân tộc ít người nhất trong số 54 dân tộc tại Việt Nam.
Được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 20 tháng 9 năm 2007, khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu vực nghiên cứu lí tưởng về tác động của con người tới tự nhiên cũng như sự biến đổi khí hậu toàn cầu.