Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Diện tích: 371 506 ha
Vị trí: Cà Mau
Được UNESCO công nhận năm: 2009
Nằm ở cực nam của Tổ quốc, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau mang trong mình những giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử.
Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được chia làm 3 vùng: vùng đệm, vùng chuyển tiếp và vùng lõi; trong đó vùng lõi bao gồm hai Vườn quốc gia: U Minh Hạ và Mũi Cà Mau với hai hệ sinh thái khác nhau. Hệ sinh thái đặc trưng của vườn quốc gia Mũi Cà Mau là hệ sinh thái rừng ngập mặn, với 22 loài thực vật ngập mặn được phát hiện; trong đó chiếm ưu thế thuộc về các loài cây như đước, mắm trắng, mắm ổi, vẹt... Động vật tại đây đã phát hiện được 13 loài thú,trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ thế giới như: Voọc bạc, khỉ đuôi dài; 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 175 loài cá và 14 loài tôm. Theo các nhà khoa học, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây được cho là đa dạng thứ 2 thế giới, chỉ kém rừng ngập Amazon ở Nam Mỹ.
Trong khi đó, vườn quốc gia U Minh Hạ có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới hình thành trên vùng đất chua ngập nước. Nơi đây có 176 loài thực vật bao gồm các loài cây gỗ tiêu biểu như: tràm, bụi, mốp, trâm sẻ; cây bụi gồm: mua lông, mật cật gai, bòng bong, bí bái; thảm tươi gồm: sậy, năn, dây choại, dớn, mây nước,… Hệ động vật Vườn Quốc gia U Minh Hạ có 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát và 11 loài lưỡng cư.
Một điều đặc biệt ở khu dự trữ sinh quyển này, đó là diện tích của nó vẫn không ngừng được mở rộng hàng năm, bởi mỗi năm Mũi Cà Mau lại lấn ra biển hàng chục mét do phù sa phù sa từ hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ phù sinh của rừng mắm, đước ven biển. Ngày 29 tháng 5 năm 2009, nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.