Không khí trong nhà bếp
Phòng bếp là nơi chế biến thức ăn nên hay sản sinh ra những mùi khó chịu như mùi ga, mùi thực phẩm, mùi trong quá trình chế biến và nấu ăn. Điều này làm ảnh hưởng tới không gian sống của chính gia đình bạn. Hãy lựa chọn các sản phẩm làm sạch không khí như sản phẩm hút mùi, trồng một vài loại cây hút mùi trong bếp, giữ lại vỏ của các loài cam, quýt cũng là cách hữu hiệu để khử mùi nhà bếp. Nơi đặt bếp ga nên có lỗ thông gió để không khí trong nhà bếp luôn thơm tho, sạch sẽ. Trong quan niệm xưa, bếp được coi là “công trình phụ”, vì thế hay được đặt vào những góc nhà, thiếu sáng, thiếu thoáng, vì thế kém thẩm mỹ và tiện nghi. Thực tế, ngoài việc là một phòng chức năng quan trọng, thì bếp có đặc thù khác các phòng sinh hoạt khác trong ngôi nhà ở. Khi nấu nướng, bếp nấu tạo ra nhiều khí thải độc hại. Hơi nước cùng các loại khí thải trong quá trình nấu bếp gây ẩm thấp, tác động tiêu cực đến bầu không khí riêng của bếp và chung trong môi trường của cả ngôi nhà, rất dễ bám bẩn vào bề mặt trần, tường và các đồ đạc vật dụng.
Để có một phòng bếp thẩm mỹ và tiện nghi, thì việc tổ chức thông thoáng bằng các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật rất quan trọng. Một phòng bếp sáng sủa, thông thoáng, không khí trong lành không chỉ làm cho căn bếp đẹp, vệ sinh mà còn làm cho người nấu bếp thoải mái và mọi người ăn ngon hơn. Phòng bếp cần sự thông thoáng tối đa trong phạm vi cho phép, tất nhiên phù hợp với giải pháp kiến trúc chung của ngôi nhà và ý đồ kiến tạo không gian nội thất. Bếp cần có cửa sổ mở ra phía ngoài, cùng với khoảng mở phía khác để tạo sự đối lưu, luân chuyển không khí. Trong nhiều nhà phố chỉ có một mặt tiền, và bếp nằm phía sau nhà, nên thiết kế giếng trời để tạo sự thông thoáng cho bếp. Cửa sổ nơi phòng bếp nên ưu tiên cho vị trí chậu rửa – bàn gia công vì đây là nơi cần nhiều ánh sáng.