Hương quê

“Hương quê”, hương quê xưa… có thể là mùi thơm của các loài hoa gắn với làng quê, là mùi vị đặc trưng, là vẻ riêng của làng quê xưa. Đó là mùi thoảng thơm từ cánh đồng lúa chín, là mùi thơm mát cỏ nội hương đồng trong làn gió thổi về từ cánh đồng làng, là mùi ẩm mốc của mái rạ lưu niên, là mùi đất ải, mùi bùn ngấu, mùi lá mục, mùi ẩm ướt của những ngày mưa ngâu rả rích…


Ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 60 của thế kỉ trước, cây cối còn nhiều. Ở làng tôi thời ấy, nhà cửa thưa thớt, vườn bãi rộng rinh. Ra khỏi ngõ là cây cối um tùm, là bờ rào bằng cây ô rô, cây duối… xanh ngắt. Xoan được trồng rất nhiều, ở góc vườn, ở bờ ao, chỗ nào có đất trống là có xoan. Nguồn gỗ làm nhà chủ yếu trông vào xoan. Gỗ xoan đắng, không mối mọt, người dân ưa thích. Lá xoan dầm ruộng, nguồn phân xanh tại chỗ dồi dào.


Sau Tết Nguyên đán, trời se lạnh và ẩm ướt. Những cây xoan cành khẳng khiu đen thủi bắt đầu trổ lá. Từ kẽ lá, những nụ hoa tim tím hé nở. Chả mấy chốc, những chùm hoa bồng bềnh như mây ào ạt nở. Làng xóm ngập tràn trong hương hoa xoan, khi sực nức, lúc thoảng qua, khi thơm nồng, lúc lại hăng hắc. Hoa xoan thoang thoảng cùng hoa bưởi nồng nàn, hoa cau ngan ngát và nhiều loài hoa khác đồng khởi nở rộ khiến cảnh vật như được ướp trong mùi hương quyến rũ. Thêm nữa, mùi lá tươi non của cây cối nảy lộc đâm chồi… thật thanh nhẹ, mơn man. Hương mùa xuân, hương xuân đấy! Mùi hương thanh khiết mộc mạc làng quê…


Ở làng tôi ngày trước, có một loài cây chuyên được trồng làm hàng rào, mà nay hoàn toàn vắng bóng: cây ô rô. Lá ô rô xẻ răng cưa, có gai nhọn, phiến lá cứng cát thuôn dài. Ô rô mọc khoẻ, dễ trồng, lá cây quanh năm xanh ngắt, mỡ màng. Ít người chú ý là cây ô rô hàng rào cũng có hoa đẹp. Hoa ô rô mọc ở đầu cành, trắng muốt tinh khôi, trông như những chiếc cúc áo nhỏ xinh. Hoa nhỏ nên nhìn kĩ, ngắm nghía mới thấy vẻ đẹp trắng trong tự nhiên của nó. Hồi nhỏ, tôi từng tò mò ghé mũi sát những bông hoa, hít hà khoan khoái, bỗng nhận ra loài hoa hoang dại bờ rào này cũng thấp thoáng hương thơm dịu nhẹ. Hoa ô rô nở suốt bốn mùa, tô điểm cho hàng rào thiên nhiên quanh nhà một vẻ đẹp bình dị, thôn dã.


Một loại cây hàng rào khác ở thôn quê thời ấy cũng có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai: cây duối. Thân và cành khúc khuỷu, tạo nên những hình dáng dị kì, lạ mắt. Lá thô cứng, ram ráp, xanh tốt quanh năm.
Vào dịp cuối xuân đầu hè, từ những vòm lá xanh um của bụi duối, đã thấp thoáng chấm phá những bông hoa duối nhỏ li ti màu trắng ngà. Và chỉ ít ngày sau, những chấm sáng nhỏ xinh ấy âm thầm lan rộng. Hoa duối mọc từng bông đơn lẻ, không kết thành chùm. Đài hoa màu xanh nhạt, ôm nhẹ một nụ hoa bé xíu. Để rồi vài hôm sau, nụ hoa xoè nở thành bông hoa năm cánh trắng. Cánh hoa dài toả ra xung quanh. Hoa duối có vẻ đẹp giản dị, tinh khôi. Nó không hoàn toàn “hữu sắc vô hương” mà thấp thoáng một mùi hương hoang dã. Đó là hương của thiên nhiên, của làng quê mộc mạc bao đời…


Hè về, quả duối chín vàng giữa vòm lá xanh. Quả bằng hạt ngô, chín mọng, đầy hấp dẫn, đầy mời mọc đối với lũ trẻ tò mò, hiếu động, đang dịp nghỉ hè. Quả duối ăn ngọt và thơm, mùi thơm dìu dịu mơn man lan toả. Đi ngang qua rặng duối chín vàng, thấy thoang thoảng mùi hương thơm ngọt, dịu nhẹ…
Nói về hương quê, không thể không nhắc tới mùi hương trầm ấm, mộc mạc nhưng khó quên của hoa thiên lí. Ngày trước, ở nhà tôi, tuy đất vườn không rộng, mẹ tôi vẫn làm hai cái giàn. Một giàn trồng bầu, trồng mướp, một giàn chỉ chuyên trồng cây hoa lí. Thiên lí là loại cây leo, lá hình trái tim, hoa màu vàng lục. Trồng thiên lí leo giàn thường trước hết để chơi, để tạo bóng mát và hưởng hương thơm; sau mới là để lấy lá non và hoa nấu canh hoặc xào. Món canh nấu với lá non và hoa thiên lí ăn ngọt bùi, thanh nhẹ, an lành, giàu dinh dưỡng.


Đêm hè gió mát, dưới ánh trăng thanh, hoa lí thơm lạ thơm lùng. Hương hoa sực nức, vấn vít quanh người. Bởi vậy, người ta còn gọi hoa thiên lí là hoa “dạ lí hương” (hoa thơm về đêm). Chữ “thiên” trong hoa thiên lí còn gợi cho ta ấn tượng hương hoa lí là thứ “hương trời” thanh cao, thanh khiết.

Hương quê… đa dạng sắc màu, cung bậc, khó mà kể xiết. Đó còn có thể là hương bồ kết nướng bay theo chiều gió thơm ngào ngạt, khen khét mùi khói; hoặc hương bồ kết dìu dịu thoảng thơm từ suối tóc mềm mượt vừa gội của mẹ, của chị.


Đó còn là mùi rơm mới thơm lừng ngõ xóm vào mùa thu hoạch, là ổ rơm mẹ trải nồng nàn hương lúa… Đến những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhà nhà người người rộn rịch, tất bật chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền. Lan tràn từ nhà ra ngõ là mùi hương thơm nồng thảo mộc thiên nhiên của vỏ bưởi khô, hạt thầu dầu, quả xoan, cây tầm gửi, cây dền gai, rơm nếp… bị đốt thành tro trong buổi tối tháng Chạp bập bùng ngọn lửa trên sân, để lấy tro hoà nước, ngâm gạo nếp làm bánh tro ăn Tết.


Rồi mùi thơm hương lúa nếp, hương đồng ruộng mùa màng của nhiều loại bánh trái khác thường được làm vào dịp Tết ở quê tôi: bánh chưng, bánh tày, bánh rợm (bánh nếp), bánh gai, bánh mật, chè lam, nổ nén (bánh bỏng)... cộng với cái tất bật bận bịu của người lớn, cái ríu rít náo nức của trẻ nhỏ, cái tưng bừng nhộn nhịp của làng quê những ngày giáp Tết… để tạo nên hương vị, sắc màu đã có tự bao đời của cái Tết cổ truyền ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ cách nay không xa.


Hương quê… ngày ấy. Có thứ nay còn được lưu giữ, nhiều thứ nay đã lùi vào kí ức xa xăm, chỉ còn trong nỗi nhớ nhung hoài niệm của một lớp người…


Lê Hữu Tỉnh

Hương quê
Hương quê
Hương quê
Hương quê

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |