Hội làng Xuân Nộn
Xuân Nộn là một làng cổ có lịch sử tạo dựng và phát triển từ rất lâu đời. Làng có tên là làng “Bê”, sau đổi thành Xuân Nộn. Trải qua bao biến cố lịch sử, diện mạo Xuân Nộn ngày một đổi mới song dấu ấn vàng son của quá khứ vẫn in đậm trong tâm khản của người dân Xuân Nộn và các di tích lịch sử văn hóa của làng.
Ngôi đình làng là nơi diễn ra lễ hội, ngôi đình tọa lạc trên một khu đất rộng, các nếp nhà được qui hoạch tập trung quanh một sân gạch rộng lớn. Là một trong những ngôi đình có niên đại ra đời sớm của nước ta và tồn tại qua mấy trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử. Sự trường tồn, sức sống mạnh mẽ của ngôi đình đã khẳng định vai trò lịch sử của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Hội làng Xuân Nộn được diễn ra từ chiều ngày 10/10 dân làng mở cửa đình, buổi chiều các quan viên tế mục dục và tấy uế đồ Thánh. Buổi tối 10/10 tổ chức diễn tuồng, trò. Song điều đáng chú ý là màn tuồng thờ Thánh, đó là việc các nghệ nhân diễn lại tích Thánh được đánh trận và thắng trận trở về vinh qui. Kèn, trống nổi lên một giáo đầu hát thờ thánh với các làn điệu nam bình, nam thương, hát tẩu... Tiếng hát thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, sau 4-5 làn điệu cả đội tuồng mới ra sân khấu diễn tích, trò. Xuân Nộn là quê hương của các làn điệu tuồng cổ. Nó là nhịp cầu nối giữa văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân.Ngày 11/10 là ngày chính hội diễn ra các hoạt động chính đó là lễ rước kiệu vua Bà, tế Thánh và múa kéo rắn. Đây là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng và giáo dục thể chất, tinh thần thượng võ cho nhân dân địa phương.
Sáng sớm ngày 11/10 dân làng tổ chức rước vua Bà Ả Lã từ Đền Thiện về đình để dự hội. Điều đặc biệt ở đây là kiệu rước bằng võng điều, người rước là toàn bộ các “nữ quan” được tuyển chọn từ các cô gái trong làng. Màu sắc của cờ, tán, lọng, quần áo khuôn mặt nữ tươi của các cô gái hòa quện trong thiên nhiên tươi đẹp. Người đánh thanh la đi đầu đám rước gọi là “Bà Mèng”. Trên võng kiệu có tượng thánh Mẫu, phủ kín bằng khăn đều thêu Kim tuyến phía trên có quạt, lọng che. Đến đình, các nữ quan rước tượng vào hậu cung để bên cạnh ngai Thánh. Sau khi yên vị “vua Bà” đội tế 1 bài gọi là “tế nghênh vua Bà”. Trước đây lễ hội tổ chức 5 ngày thì ngày 15/10 sau khi rước vua Bà về đền tổ chức kéo rắn và chiều tế giã đám. Ngày nay do điều kiện kinh tế và xã hội lễ hội chỉ tổ chức vào 2 ngày do đó việc tổ chức kéo rắn vào trưa ngày 11/10, buổi tối biểu diễn văn nghệ. Trò kéo rắn được dân làng tổ chức để tưỏng nhớ đến vị thần linh đã giúp thánh Vũ Định phá vòng vây của giặc. Theo truyền thuyết khi Vũ Định bị giặc bao vây ông lập đàn cầu trời khấn phật phù hộ, bỗng nhiên dưới sông xuất hiện một linh thần đầu người mình rắn nguyện xin giúp ông đánh giặc. Quân giặc bạt vía kinh hồn tháo chạy, quân ta toàn thắng.
Từ đó người dân trang Xuân Nội hàng năm tổ chức kéo rắn để tỏ lòng biết ơn thần nhân. Việc tổ chức kéo rắn phải chuẩn bị rất công phu nhất là khâu chọn người vào đội kéo rắn. Số lượng người là 34 vì xưa kia có 34 trai làng Bè theo Thánh đi đánh giặc. Phải là trai tráng khỏe mạnh, có đạo đức, gia đình nề nếp, độ tuổi thanh niên. “Ông Rắn” bằng người kết lại, xưa kia đóng khố, cởi trần nay mặc quần áo hội chít khăn đỏ, thắt lưng vàng. “Ông đầu rắn” đầu đội khăn đỏ kết lại làm mào, đuôi là người thắt khăn đỏ để dài xuống đất. Công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Trống lệnh nổi lên, ông trùm đám đội khăn đỏ vào trong đình cầm trịch trống thúc hiệu. Quân rắn vào đình dâng lễ Thánh, thắp hương sau đó theo tiếng trống hiệu nhảy lên hô lớn để lạy Thánh, 3 lần như vậy. Sau khi lạy Thánh người làm đầu rắn cầm cây bông múa tế thánh bằng những động tác tuồng uyển chuyển nhưng dứt khoát mạnh mẽ thể hiện sức mạnh của thần linh. Khi múa tế Thánh kết thúc thì cũng là lúc múa kéo rắn bắt đầu lần lwotj các khúc rắn được kết với nhau bằng cách: người sau nắm chặt vào thắt lưng người trước, cứ như vậy cho đến người làm đuôi rắn. Ông trùm đám dẫn đường, rắn luồn qua các cột trụ trong đình vòng vào hậu cung rồi lại luồn qua tất cả các cột đình. Trống khẩu dẫn đường đến đâu thì rắn theo tới đó, rắn vòng 3 vòng quanh đình rồi vào sân đình trình diễn hoa văn theo lối hoa đồng tiền trông thật đẹp mắt, hấp dẫn. Trình diễn múa kéo rắn trong sự cổ vũ reo hò của nhân dân cùng tiếng trống kèn tấu lên, tạo một không khí rộn rã xốn xang lòng người dự hội. Màn trình diễn “hoa đồng tiền” đã xong đến lúc “rắn” về biển, đoàn rắn ra ao trước cửa đình để “biến mất”.
Người tham gia kéo rắn nhảy xuống ao lặn hoặc bơi sang bờ bên kia. Hội kéo rắn được coi là thành công khi sự liên kết của các khúc rắn không bị đứt, bị lỗi, mặc dù phải biểu diễn trong khoảng 30 phút. Hội kéo rắn là một trò chơi dân gian thể thao nhằm nâng cao thể lực, nhớ ơn thần linh, biết ơn các anh hùng thời tiền sử đã có công dựng nước và giữ nước.Buối tối 11/10 dân làng tổ chức văn nghệ hát tuồng, hát ca trù và ngày nay biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Xưa kia các cụ tổ chức đốt cây bông rất công phu và có ý nghĩa. Cây bông làm bằng các ống nứa trong đó đựng câu đối, thơ, các con giống bằng giấy. Khi đốt cây bông từ trong các ống nứa bay ra các con giống, câu đối, thơ, ai “cướp” được vật gì coi như là được “lộc thánh”. Đây là một loại hình trò chơi dân gian quí cần được khôi phục và bảo tồn. Nó là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quí của huyện Đông Anh và Hà Nội.
Đình Xuân Nộn và lễ hội “rước vua Bà”, “đốt cây bông”, “múa rắn”, “tuồng tế Thánh” có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa xã hội. Đến với lễ hội Xuân Nộn ai nấy đều hồ hởi phấn khởi bởi ở đó tình cảm của con người Xuân Nộn thật chân thành cởi mở, một không gian hội đậm đà vùng văn hóa Kinh Bắc.
Thờ: Ả Lã Tuê Tịnh phu nhân, Vũ Định Đại Vương và Thiên Lôi Tôn Thần, Trương Hống, Trương Hát
Địa điểm: Thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn
Thời gian: 10 - 15/10 âm lịch
Chính hội: 11/10 âm lịch
Đặc điểm: Rước kiệu vua bà, Múa rắn