Hồi ký: Mùa nước nổi năm xưa
Cho đến bây giờ, tôi vẫn khó có thể quên những ký ức về mùa nước nổi thuở bé thơ, khi làng quê còn nghèo khó. Ngày hôm nay, quê tôi đã đổi mới. Nhưng hình ảnh xóm làng tiêu điều và những mái lá đơn sơ đối với tôi cứ như vừa mới hôm qua.
Mẹ tôi giờ đã già, những nếp nhăn theo thời gian cứ sâu thêm. Tôi lần tìm trong những nếp nhăn ấy khoảng thời gian mấy mươi năm về trước, một thiếu phụ với đứa con thơ đêm đêm bơi xuồng giăng câu để tìm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Nhớ lại mùa đông năm ấy, năm 1983, tôi đã quá quen thuộc với công việc giăng câu, thả lưới vào mùa nước nổi của xóm nghèo. Hằng năm, cứ mỗi độ tháng chín, tháng mười là vào mùa nước nổi.
Ngày ấy, bọn trẻ con chúng tôi suốt ngày cứ lội lõm bõm trong sân, trong nhà. Tôi còn nhớ khi ấy nước ngập lên cả nền nhà, tôi bắt những con nhền nhện trên nóc nhà rồi ngồi luôn trong nhà hoặc ra chái bếp rồi bắc ghế ngồi câu cá. Vì nước ngập dần lên nên mấy con trùng, con dế cứ bò lên cột nhà rồi rớt xuống, rồi lại bò lên và rồi cuối cùng lại làm mồi cho lũ cá.
Mùa nước nổi cá nhiều, nhiều lắm, có lúc tôi ngồi trong nhà trên chiếc giường tre treo bốn góc vào cột nhà cho khỏi ngập nước, rồi cầm cái cần câu móc vào con dế, con trùng hay con nhện, con tép làm mồi đều nhanh chóng câu được cá.
Cá mùa nước rất rẻ, rẻ đến độ đem bán ba bốn ký cá mới đổi được một ký gạo, vậy mà cứ tới mùa nước nổi thì cả xóm tôi lại làm nghề cá để mưu sinh.
Mỗi chiều đi học xong, cứ quăng quyển tập, cây bút chì gói trong tấm nilon được lấy từ bao đựng phân urê mà ngoại gom lại để dành làm áo mưa, tôi lại sà vào bếp bới tô cơm ăn vội rồi phụ mẹ chuẩn bị chuyến đi giăng câu mỗi khi đêm xuống. Chiếc xuồng con loại mười giạ lúa là chìm là phương tiện cho chuyến đi giăng câu, thả lưới cho bà con cả xóm tôi.
Chạng vạng, tiếng gọi nhau, tiếng lộp cộp, lạc cạc của mái dầm khua vào những chiếc xuồng vang lên đều đặn. Tôi bưng thau câu giăng có ba ngàn lưỡi câu còn gọi theo người già là tam thiên câu để thả câu dài đến ba cây số, mỗi mét là một lưỡi câu. Những chiếc lưỡi của chúng tôi được tóm theo kiểu tóm cổ chó rất chắc, càng nắm lưỡi câu kéo ra thì thì dây càng siết chặt vào lưỡi. Lưỡi câu được tóm vào sợi dây dài độ một tấc rưỡi đến hai tấc rồi sợi dây ấy lại được tóm vào giềng câu. Giềng câu làm cùng loại dây nhưng to hơn.
Mùa đông năm ấy, mùa đông của ký ức, gió thổi nhè nhẹ trong đêm làm rạt rào hàng tre sau nhà và mặt nước đồng lăn tăn gợn sóng. Cuộc hành trình của chúng tôi lang thang trên các cánh đồng nước vi vu gió đêm, có những tiếng vọng từ xa xăm quá khứ và tôi cũng nghe đâu đây tiếng vọng của tim mình.
Đầu mùa, nước mới lên thì món ăn khoái khẩu của lũ cá là trùng, cho nên ai cũng móc vào lưỡi câu những miếng mồi trùng được cắt ra từ lũ trùng hổ, trùng cơm. Mỗi con trùng cắt ra được chừng mười đến hai mươi đốt nhỏ. Ngoài ra, dế trũi cũng là mồi nhạy nhất cho các loại cá, mà nhất là cá trê vàng.
Tôi và mẹ tôi bơi xuồng với chiếc đèn dầu nhỏ xíu được cất cẩn thận vào lồng, chiếc đèn được ghép ván để tránh gió trông giống ngôi nhà tí hon mà ánh sáng lập lòe làm những đứa trẻ con như tôi vô cùng thích thú. Kéo theo đó là tiếng gọi nhau, tiếng trêu đùa inh ỏi rền vang của xóm cá hàng chục xuồng làm thành một tốp câu bơi đua vui như lễ hội. Để rồi sau một lúc, từng xuồng, từng xuồng tách ra thành nhiều hướng để đi tìm luồng cá mới. Đối với tôi, chính lúc chia tay này, cánh đồng nước mới rộng làm sao!.
Những chú cá rô non mừng nước đớp mồi lách tách, đầu vọt lên khỏi mặt nước, có những chú quá đà nhảy lên khỏi mặt nước cả một hai tấc rồi rơi xuống đánh “tõm” làm nước văng lên cả man xuồng, có chú rơi luôn vào xuồng của tôi. Thế là tôi thích chí lấy dầm gạt chú xuống nước. Chốc chốc lại đánh “bốp”, “đùng”, những chú cá lóc to tướng đói mồi quảy đuôi làm rung rinh làn nước và ướt cả đám cỏ ven lun lớn.
Cánh đồng nước của chúng tôi mùa ấy chao ôi là nhiều cá, vì đó là vạt ruộng hoang, chỉ toàn năng, lát và bông súng ma mọc hoang quanh năm. Thêm vào đó, cánh đồng ấy lại có rất nhiều nghĩa địa và người ta sợ ma không dám đến, cũng vì lẽ đó mà còn rất nhiều cá lớn, cả tép rêu cũng nhiều, cứ lấy dầm đánh tẹc vào làn nước là có một vài chú tép nhảy cẩng lên khỏi mặt nước.
Khi màn đêm lạnh lùng buông xuống che kín cả bầu trời, đàn cá lại đớp mồi lốp bốp, lẹc bẹc như tiếng vỗ tay từng đợt liên hồi làm tôi nghe mà nôn cả ruột. Ánh đèn dầu đỏ hoe le lói đều đặn trên cánh đồng ruộng mênh mông trông như sao trên trời in bóng xuống làn nước vậy. Thề rồi các “đóm sao nhỏ” bắt đầu di chuyển lúc có lúc không, đèn của các chú, các bác giăng câu, cắm câu mồi đế trũi, giăng lưới cá rô… cứ liên tục chớp tắt, mẹ mới bảo tôi: “Mình giăng câu thôi con!”. Mẹ tôi cẩn thận bưng thau câu và chiếc lồng đèn lên sạp của mui xuồng, tôi ngồi ở lái xuồng cầm dầm lúc chống lúc bơi cho mẹ thả câu, chốc lát dừng lại vì câu rối, rồi phải gỡ từng lưỡi, từng lưỡi ra thả xuống nước. Có lúc có con cá đớp mồi giật phắt, giếng câu giật mạnh, mẹ bảo: “Dính cá rồi con ơi!” Tôi vội vàng lùi xuồng lại cho mẹ giở cá ngay kẻo lâu cá sảy thì uổng, thế là chưa bủa câu xong mà chúng tôi đã được con cá lóc to tướng.
Nỗi vui mừng vừa đến thì ở đâu tận góc trời đông một luồng gió lạnh buốt ào ào kéo đến đánh bạt chiếc xuồng sang hướng khác, rồi mây đen phủ kín, trời đã tối lại càng tối thêm.
Tôi cầm chiếc dầm trên tay cố hết sức giữ chiếc xuồng cho đi tời để mẹ giăng câu nhưng sức tôi yếu, gió lại to làm chiếc xuồng cứ quay vòng vòng một chỗ, mẹ tôi bảo: “Mưa lớn tới rồi, con ơi, bủa câu mau thôi!” Mẹ tôi choàng tấm nilon rách tả tơi cho tôi rồi tuột xuống làn nước lạnh buốt thịt da. Gió ào ào không ngớt, mẹ tôi nắm lấy dây mui xuồng buộc chắc vào lưng và cứ thế ôm thau lưỡi câu vào lồng ngực rồi lội xuống nước thả câu. Nước sâu ngập ngang thắt lưng mẹ tôi, có chỗ ngập cả đầu, mẹ tôi phải bám vào xuồng bơi qua những đoạn lung sâu ấy. Tôi ngồi trên xuồng và cố giữ cho chiếc xuồng đừng quay tròn như kim đồng hồ để mẹ bủa câu theo hướng định sẵn. Gió cứ đánh lạch bạch vào cái áo nilon mỏng dính rách tả tơi như đuôi diều mùa hạ. Mưa lại lộp độp rơi nặng hạt làm rát cả đôi má tròn bầu bĩnh của tôi. Tôi cố nghiêng mình tránh giọt mưa, nhưng vô ích, rồi mưa trút xuống ào ào chỉ một lúc thôi mà muốn ngập chìm xuồng. Mẹ tôi dừng lại tát nước trong xuồng và nghiêng thau lưỡi câu cho nước ra ngoài rồi tiếp tục thả câu cho hết.
Một giờ, hai giờ rồi ba giờ trôi qua, trời ngớt mưa và mẹ cũng bủa xong số câu dài hằng ba cây số kéo từ vạt lau ven nghĩa địa bên này vòng qua phía bên kia. Mẹ tôi kéo chiếc xuồng vào vạt năng cao để tránh luồng gió vẫn còn thổi tè tè tay áo. Tháo dây ra khỏi lưng, mẹ tôi trèo lên xuồng rồi cắm dằm buộc dây xuồng, rồi mẹ vuốt vuốt tay áo và ống quần cho bớt nước. Lúc ấy, chiếc đèn đã tắt tự lúc nào. Tôi xót xa nhớ lại mẹ mình phải mò mẫm thả câu trong đêm tối, tôi tủi thân cho mình không được như bè bạn sống trong chăn êm nệm ấm, tủi cho mình không được như con gà con trời mưa còn được nấp yên mình vào lòng mẹ, mẹ con ở bên nhau. Tôi thương mẹ tôi trong những lúc giá buốt vì gió trên đồng và gió của cuộc đời đánh bạt đi mà chỉ có một mình chống chịu. Đêm ấy, tôi nhìn lên nền trời một màu u ám mà lạnh từ trong ruột lạnh ra. Cái lạnh chạy rần rần lên đầu làm cổ tôi run lên liên hồi, lúc ấy, lạnh đến nỗi tôi biết cả hai mẹ con tôi đều lạnh run và môi đen như lọ. Đau khổ quá, nước mắt tôi chảy xuống má rồi xuống môi mằn mặn, rồi từng giọt, từng giọt âm thầm trong đêm. Tôi đến bên mẹ và ngồi rúc vào lòng mẹ, tay chân mẹ lạnh buốt, nhưng lòng mẹ thì ấm, ấm lắm. Thế rồi gió lại thổi mạnh hơn, khe khẽ trong tiếng gió đánh rơi xuống đầu tôi, trên mái tóc xoăn ướt sũng nước mưa của tôi giọt nước ấm ấm, hai giọt, ba giọt, và nhiều nữa. Tôi lặng thinh cảm nhận nỗi xót xa của tôi và của mẹ, tôi biết mẹ tôi đã khóc.
Hò ơi!
“Con không cha như nhà không nóc,
Cha mất rồi con ướt tả tơi”.
Trớ trêu cho tôi khi tiếng ai đó quen quen vang lên trong đêm làm tôi bất ngờ giật thốt, và càng xót xa hơn khi nhận ra đó là câu hò trêu chọc của cậu Tư. “Thôi cuốn câu con ơi!” – “Dạ!” _ Tôi run run trả lời. Mẹ tôi hỏi: “Con lạnh lắm hả? Thôi cuốn câu mau rồi về!”
Trời vẫn tối om, mẹ tôi lấy cái hộp quẹt đá lửa ra thổi cho khô nước rồi đốt lại cây đèn để lên mui xuồng. Tôi ra phía sau mui cầm cây dằm lạnh buốt chống tới cho mẹ tôi cuốn câu. Vì mưa lớn quá nên lũ cá bỏ ăn trốn hết, chỉ có số ít đã ăn từ trước bị chết ngộp cứng đờ.
Được một khúc thì giềng câu chệch hướng đi thẳng vào nghĩa địa. Ánh đèn dầu leo lét không đủ sáng trong đêm làm tôi thấy sợ và run lên bần bật. Mẹ vẫn bảo tôi bơi, tôi không biết mẹ có sợ ma không nhưng vẫn bơi tới theo lời mẹ. Bỗng phía trước mũi xuồng có cái gì đó to lắm đánh “ầm” một cái, nước văng tung tóe và từng con sóng lớn lắc mạnh chiếc xuồng. Một cái bóng to đen sì to đùng từ dưới nước đứng dậy làm tôi giật thót tim, mẹ tôi cũng giật thốt người nhưng kịp trấn tỉnh khi nhìn thấy dáng con trâu cổ to tướng.
À! Thì ra nó lôi giềng câu từ ngoài đồng vào sát mấy cái mộ đá để tránh mưa giông đây mà!. Mẹ tôi cắt sợi dây quấn quanh chân con trâu rồi vòng qua bên kia mò giềng câu nối lại để tiếp tục cuốn câu. Lúc ấy, mấy miếng mồi câu cũng trắng bệch vì nước quá lạnh, lũ cá cũng im thin thít không một con đớp mồi. Có tiếng gà thức giấc gáy vội trong đêm mưa vừa tạnh và tiếng mấy con ễnh ương kêu oang oang làm người nghe càng não nuột. Lúc này thì tiếng ồn ào hú gọi nhau vang lên cả cánh đồng, báo cho nhau nghe đã thu lưới, cuốn câu xong và rủ nhau cùng về. Ai cũng than vãn thất thu, cá ít quá, không đủ để đổi gạo ăn. Đôi mắt mỏi mệt của mẹ tôi buồn rười rượi, tôi cũng buồn theo, lúc ấy, mẹ tôi không nói câu nào mà chỉ thở dài lo lắng, tôi cũng lặng thinh cùng mẹ bơi xuồng về nhà, kết thúc một đêm đầy vất vả.
Cây Hoa Lá