Hoàn cảnh ra đời ngày Thương binh Liệt sỹ
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta thêm một lần nữa. ''Không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu chặn tay quân xâm lược. Trong những tháng, năm đầu của cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường.
Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc cùng nhiều gia đình mất đi cả chồng lẫn các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để có thể góp phần xoa dịu đi nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Vào đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và ở một vài địa phương khác.... Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Ngày 17/11/1946, cũng tại đây, lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ” được tổ chức với mục đích quyên góp quần áo, giày mũ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương cũng như hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ cùng đồng bào ta gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.