Hoa Chămpa (hoa sứ) – loài hoa thanh khiết và gần gũi với đời sống
Cây hoa sứ có tên khoa học là Sứ sa mạc Adenium Obesum, thuộc họ Aspleniaceae và nằm trong nhóm cây mọng nước. Hoa sứ được mệnh danh là hoa hồng sa mạc với hình dáng cây thân to cùng hoa và bộ rễ rất đẹp. Chính vì điều này mà nhiều người đem lòng yêu thích sứ thái và bỏ công chăm sóc chúng. Hoa sứ có nguồn gốc từ Mexico, Venezuela và Trung Mỹ sau đó lan sang các khu vực nhiệt đới khác trên thế giới. Loại cây này rất dễ sống, nếu gặp thời tiết thuận lợi hoa sứ có thể mọc với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Có thời điểm nhiều người đến Hawaii còn lầm tưởng đây là loại cây bản địa chứ không hề biết rằng nó được du nhập về đây. Ở Việt Nam, ngoài tên gọi hoa sứ, loài cây này còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như hoa đại, hoa chăm pa ( nguồn gốc từ Lào) hay bông sứ.
Không biết từ bao giờ, loài hoa này đã gắn liền với mỗi người dân đất nước Lào. Hoa Chămpa có màu sắc tinh khiết, mùi hương thanh nhã, thơm ngát, đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Hoa Chămpa hội tụ ý nghĩa triết học nhân sinh cao quý, gắn liền với nhà Phật, biểu hiện tính cách đôn hậu, hiền hòa của người dân xứ Chămpa. Hoa được trồng phổ biến trên lãnh thổ Lào, đặc biệt là ở các khu vực gần các tu viện, chùa tháp. Đến với đất nước Lào vào các dịp lễ, tết, từ những bản làng xa khuất, dọc những cánh rừng, hay ngay cả giữa thủ đô Viêng Chăn đều ngát hương hoa Chămpa.
Theo phong tục của Lào, vào dịp Tết cổ truyền Bun-pi-may, người dân Lào thường kết từng vòng hoa Chămpa cài trên tóc để cầu mong điều may mắn tốt lành sẽ đến trong dịp năm mới. Khách đến chơi nhà trong dịp Tết sẽ được gia chủ cài hoa Chămpa trên ngực áo và buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Những đôi trai gái yêu nhau thường trao tặng những bông hoa Chămpa để nói lên tình yêu tha thiết, thủy chung của mình. Khi giai điệu “Hoa đẹp Chămpa” quen thuộc vang lên, như một phản xạ tự nhiên đã ăn sâu vào máu thịt, từng đôi nam nữ Lào thể hiện điệu múa Lămvông không chỉ bằng đôi tay dẻo, đôi chân nhịp nhàng, mà bằng cả ánh mắt dịu dàng và nụ cười hồn hậu. Các cô gái Lào làm duyên với những bông Chămpa cài bên đầu đã “thổi hồn” vào Lămvông, làm cho điệu múa truyền thống của dân tộc Lào “đắm đuối” bao du khách khi đến thăm đất nước này.