Hổ
Kích cỡ lớn nhất trong Họ Mèo Felidae có thể nặng 200 - 250kg. Nền lông vàng hoặc vàng sáng, phần bụng trắng. Mặt và dọc thân có nhiều sọc đen. Thế giới có 5 phân loài hổ. Hổ sống ở vùng Đông nam Á gồm cả Việt Nam thuộc phân loài Hổ Đông dương (Panthera tigris corbetti Mazak, 1968) có kích thước nhỏ hơn các phân loài khác. Do bị săn bắn, số lượng của các loài hổ giảm mạnh, chỉ còn khoảng vài chục cá thể sinh sống tại các rừng của Việt Nam. Dấu hiệu sinh sản của loại động vật họ mèo này đã không còn được ghi nhận trong nhiều năm gần đây. Hiện tại thì các cá thể hổ còn sót lại đã được nhà chức trách nuôi trong chuồng nhằm duy trì tình trạng sống sót của chúng, tránh nạn săn bắt động vật quý hiếm. Hiện tại chỉ còn khoảng 5 cá thể tồn tại ngoài tự nhiên.
Loài hổ (cọp) có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Đó là một sự thật đáng buồn, thậm chí đau lòng luyến tiếc. Trong suốt một thời gian dài khoảng trên 15 năm qua (từ năm 1990), tại Việt Nam không có thêm bất kỳ ghi nhận nào mới về dấu hiệu của hổ ngoài môi trường tự nhiên. Nhiều chuyên gia cho rằng tại Việt Nam loài hổ đã tuyệt chủng, ngay cả trong khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia cũng không còn hổ. Khi nào chúng ta có thể thấy một con hổ (dù là cuối cùng) xuất hiện ngoài thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam? Theo giám đốc một Vườn quốc gia, lâu lắm rồi ông và đồng nghiệp không nhận được thông báo về vết chân hay những lần gia súc bị loài hổ ăn thịt như trước. "Hổ hoang dã Việt Nam có thể đã biến mất. Nếu có thì chúng thường phân bố ở khu vực giáp biên giới với Lào và Campuchia, từ Nghệ An đến Quảng Nam; Chư Mon Ray (Kon Tum); Bù Gia Mập (Bình Phước), nhưng tần suất xuất hiện của loài rất ít và gần như không có", ông nói.