Hai ba tháng Chạp
Tục ngữ có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”. Như vậy, theo như lời người xưa dạy rằng chỉ có ba ngày tết chứ không hơn. Nhưng với tôi, tết bắt đầu được tính từ ngày ông Táo lên chầu trời. Bởi sau ngày này là lũ học trò trường làng bắt đầu được nghỉ học. Khi cô giáo gõ thước xuống bàn dứt lời “Từ ngày mai các em được nghỉ tết…” là chúng tôi reo hò và ùa ra khỏi lớp như đàn mối bay ra khỏi tổ khi trời sắp mưa. Mà còn gì vui sướng hơn khi không phải đi học, học trò thời nào chẳng thế. Và chính sự háo hức mong chờ trong những đôi mắt, trên từng nụ cười trẻ thơ, khi ấy tết mới thực sự về ngoài ngõ.
Sáng ngày hai ba tháng chạp, mẹ tôi dậy sớm lắm, có khi còn trước cả tiếng gà gáy gọi mặt trời, lúc ấy tối mịt, sương mai còn chưa tan trên những nhành hoa cải vàng óng như nắng, và gió lạnh đang đu đưa mấy nhánh hoa mùi già trắng muốt hơn mây. Mẹ nhóm bếp luộc một nồi khoai để cả nhà lót dạ trước khi mẹ sửa soạn đi chợ phiên. Tôi nằm trong chăn ấm, hé mắt ra ngoài, trong giấc ngủ chập chờn tôi vẫn nhìn thấy lửa hồng nhảy nhót bập bùng trên bức tường vôi trắng xóa, trên khuôn mặt mẹ xanh gầy, vẫn nghe thấy tiếng củi nhãn kêu tí tách, tiếng những củ khoai nứt vỏ tím bở tung và ruột vàng ứa mật dâng khắp nồi. Trước khi đội cái thúng lau đậy vỉ buồm đi chợ, tôi còn nghe giọng mẹ dịu dàng giục giã “Dậy đi con, ăn khoai luộc trong nồi, rồi đánh thật bóng cái lư đồng và giá nến trên bàn thờ nhé”. Ngại ghê, đánh đồ đồng phồng rộp và đỏ ửng cả tay. Tôi uể oải vươn vai ngáp một cái “vâng ạ” rồi tung chăn ngồi dậy co ro vì rét, bắt gặp con mèo tam thể còn ngủ vùi bên bếp tro ấm. Tôi bảo “Mày còn lười biếng hơn tao, mèo nhá”.
Có hai ba tháng chạp năm nào, tôi không ngồi đánh bóng lư đồng, giá nến như mọi lần vì bố tôi đem đồ thờ ra thợ đồng bên xã Xuân Tiến tân trang lại. Tôi được theo mẹ đi chợ phiên để mua quần áo mới. Cả đêm hôm trước tôi ngủ trong phấp phỏng, chỉ mong trời mau sáng. Chợ Hoành Nha quê tôi một tháng sáu phiên vào các ngày mùng ba, mùng bảy, mười ba, mười bảy, hai ba, hai bảy. Vì vậy, ngày hai ba tháng chạp cũng là ngày bắt đầu phiên chợ tết cho đến hết chiều ba mươi. Giữa chợ có một cây gạo cổ thụ, tháng ba đốt đuốc gọi chào mào, sáo sậu bay về hót ríu ran trong làn mưa bụi lây phây cuối xuân. Cây gạo cời lửa xuống làng nghèo, trên những lối đi đầy bùn lầy và nước đọng. Gót chân của những người đi chợ vô tình giẫm lên những xác hoa gạo, đỏ đến nhói lòng. Chợ Hoành Nha hồi đó gồm các dãy lều lợp rạ thấp lè tè, nào là hàng xén, hàng xáo, hàng vải vóc, hàng vàng mã, hàng quà bánh, hàng tôm cá chen chúc nhau trong ồn ào, lao xao giọng nói như chim hót gọi mùa trên cánh đồng Hoang Điền. “Rì ơi, bằng nào một bộ mũ áo ông Táo này về?”. “Mười một nghìn, bá nhá. Em tẳng bán đắt làm gi”. “Rì làm chao vậy đế, nói thách vấy. Mười nghìn thôi tứ, tôi lấy một bộ nào”. “Giá lúc nào tả vậy. Thôi thì em để to bá, tả lãi lờ mấy, không bá lại tửi em”. “Ờ, năm nay thứ gi cũng đắt tết khiếp, rì ạ”. Đấy là lời mặc cả mua bán của hai người đàn bà làng tôi, ai nghe lần đầu có khi không hiểu họ đang nói gì. Bà tôi, mẹ tôi, cô tôi, dì tôi và bao nhiêu người đàn bà làng Hoành Nha này dù có đi xa khỏi làng nhiều năm tháng thì họ vẫn mang theo tiếng làng, tiếng nước của miền biển rì rào sóng vỗ và mặn mòi muối phơi trên những ô nề. Nói to để át đi tiếng sóng, ăn mặn nên giọng nồng nàn vị biển là vậy.
Mẹ dẫn tôi vào hàng vải – hình như hàng vải là thứ hàng sang trọng nên người ta bán trong một dãy nhà xây có tường gạch, lợp ngói. Mẹ mua cho tôi cái áo xanh trứng sáo, cái quần xanh sĩ lâm còn thơm mùi hồ vải, mỗi bước đi phát ra tiếng kêu sột soạt. Bao giờ mẹ cũng mua quần áo rộng thùng thình một tí để vài năm sau còn mặc được, và khi tôi mặc cộc rồi thì nhường lại cho các em bé con cô, con dì tôi. Cái Thơ cũng được mẹ mua cho một cái áo hoa tay bồng, cổ lá sen rất diêm dúa điệu đà. Mùi hồ vải trên bộ quần áo mới thơm suốt mấy ngày tết, thơm suốt giấc mơ dài, thơm suốt tuổi thơ tôi lam lũ, để sau này tôi lớn lên, đi làm có tiền tự mua cho mình, cho con trai mình một bộ quần áo mới lại rưng rưng nhớ về một ngày hai ba tháng chạp đã xa thật là xa trong kí ức rõ rệt như vừa mới hôm qua. Và tôi tự hỏi tôi đã mua cho mẹ được bao nhiêu bộ quần áo mới mỗi khi tết đến, xuân về? Một giọt nước mắt chợt rơi xuống bàn tay như bông hoa gạo rụng xuống lối đi đầy bùn lầy và nước đọng.
Bà tôi kể rằng ngày xưa có cặp vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng. Một ngày, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bấy lâu này bặt vô âm tín bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Để tránh điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ. Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa chết cùng. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện. Ngọc Hoàng thương tình thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Hàng năm, đúng vào ngày hai tháng chạp là ngày Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Bà nội bảo đó không đơn giản là sự tích nhằm giải thích về một tục lệ mà còn có là một biểu tượng về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung.
Mẹ dắt tôi chen sang hàng vàng mã. Tay mẹ nắm chặt tay tôi sợ lạc. Người đông như mắc cửi. Những đinh tiền, đinh vàng ngồn ngộn, lấp lánh chất cao như núi Thiên Thai. Những ông ngựa giấy muốn tung vó, dựng bờm hí vang trên đường xuân vạn dặm. Những khói trầm, khói bài thơm nghi ngút bay lên hóa thành ráng hồng, mây trắng. Mẹ tôi sắm sửa mũ áo cúng Táo quân. Các ông Táo thì mũ có hai cánh chuồn, bà Táo thì mũ không có cánh chuồn, kèm theo ba bộ áo và hia màu xanh vàng đỏ. Mẹ còn mua ba con cá chép làm phương tiện để Táo quân lên chầu trời. Tôi ngây ngô hỏi mẹ là cá chép chỉ bơi dưới nước chứ làm sao mà bay lên trời được hả mẹ. Mẹ cười bảo cá chép vượt Vũ Môn sẽ hóa rồng con ạ. Tôi cũng như chú cá chép nhỏ, rời tay mẹ mà biết đến khi nào hoá rồng để đền đáp công lao mẹ cha dưỡng dục, sinh thành?
Bố tôi lau bàn thờ bằng nước lá thơm đã xong, đang trịnh trọng đội khăn xếp, mặc áo the đen châm hương, đốt nến. Khói trầm ngan ngát từ chiếc lư đồng mắt cua vẽ vòng khắp ba gian nhà trong ánh sáng lung linh tỏa ra từ đôi ngọn nến cắm trang nghiêm trên giá. Bố tôi thỉnh một hồi chuông, mõ trước khi lầm rầm đọc bài văn khấn ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, ngài Bản Gia Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, ngài Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần. Giọt chuông giác ngộ, hạt mõ từ bi đọng trên mấy lá trầu biếc, vài quả cau non đặt giữa cái đĩa men sứ trúc lâm thất hiền. Tôi có cảm giác rằng bố phải khấn lầm rầm như thế thì thần linh và tổ tiên mới thấu tỏ, chứng giám. Phải chăng lời khấn là sợi dây vô hình nối giữa cõi dương và cõi âm, giữa người sống và người đã khuất để cõi này, người nọ không xa mặt, cách lòng.
Tôi đốt mũ áo và đem cá chép thả xuống sông Sò. Ông Táo cưỡi cá chép chở cả tuổi thơ tôi đi mãi. Tôi đốt mũ áo hay đốt kí ức thành nắm tro tàn. Cá chép bơi ra biển. Tro tàn bay khắp trời. Mỗi hai ba tháng chạp đi qua, tôi lớn thêm một tuổi. Có lúc tôi ước, tôi là chú cá chép, bơi ra biển rồi lại quay về sông Sò, để mà nhỏ dại, bé bỏng như thuở nào lên năm, lên ba…
Tản văn của Hoàng Anh Tuấn